Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP

Triển khai từ tháng 10-2013, đến nay, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã thực sự trở thành thương hiệu riêng của Quảng Ninh. Một trong những yếu tố mang lại thành công cho chương trình OCOP chính là sự tích cực trong công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia chương trình.

Sản phẩm hoa Hoành Bồ đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong ảnh: Nông dân làng hoa Đồng Chè, thị trấn Trới chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Hiện toàn tỉnh có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP với 198 sản phẩm, nhóm sản phẩm đều có bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng chuyên nghiệp. Với chức năng, nhiệm vụ được phân công, ngay từ những ngày đầu, Sở KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh trong công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tham gia chương trình. Qua đó, 29 sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã được hướng dẫn xây dựng hồ sơ, xin phép sử dụng địa danh, bao gồm 6 nhãn hiệu chứng nhận, 20 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu thông thường. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp văn bằng bảo hộ cho 12 sản phẩm OCOP của tỉnh, bao gồm: Mật ong Hoành Bồ, đào đá Thống Nhất, lợn Móng Cái, rượu Bâu Bằng Cả, hoa Hoành Bồ, măng mai Ba Chẽ, nấm lim Ba Chẽ, mật ong Ba Chẽ, ổi Ông Đới, nấm Kim Oanh, nấm Thịnh Phát và ruốc hàu Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong hơn 800 văn bằng bảo hộ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các sản phẩm của Quảng Ninh thời gian qua thì các sản phẩm nông nghiệp nói chung được cấp với số lượng rất nhỏ, khoảng 10%. Trong số đó, mới chỉ có 12 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Đó quả thực là một con số khiêm tốn so với một chương trình ý nghĩa và có chất lượng tốt như chương trình OCOP... Anh Lê Thế Phước, Giám đốc HTX Phước Long, thị trấn Trới, Hoành Bồ, cho biết: Sản phẩm hoa Hoành Bồ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của chương trình OCOP trên địa bàn huyện Hoành Bồ nói chung và sự phát triển của sản phẩm hoa Hoành Bồ nói riêng. Ngày nay, người nông dân không chỉ trồng hoa theo mùa vụ để phục vụ lễ, tết mà nhiều hộ dân đã có ý thức cao trong việc xây dựng và phát triển chất lượng hoa bằng cách đưa những giống hoa mới, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm hoa Hoành Bồ ngày càng nâng cao giá trị, không những thế còn phục vụ nhu cầu tham quan, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương.

Song song với hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, hàng năm, Sở KH&CN đều phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm. Năm 2016, Sở đã tổ chức kiểm tra 56 cơ sở, đơn vị sản xuất của 14 huyện, thị xã, thành phố với 145 sản phẩm OCOP. Sở cũng đã phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh và các ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức các bước trong việc lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đang tham gia thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ do Bộ KH&CN ủy quyền quản lý cho sản phẩm cá ruội Cô Tô và cua biển Quảng Yên. Hiện tại, Sở cũng đang tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho rượu Cao Ba Lanh Bình Liêu, nhãn hiệu tập thể hàu Thái Bình Dương Quảng Ninh và nhãn hiệu chứng nhận trầu tiên Yên Tử - Uông Bí.

 

Theo baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 31003 Tổng lượt truy cập 91462127