Khẳng định thương hiệu sản phẩm Quảng Ninh

Phong trào “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên lựa chọn hàng Quảng Ninh

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các vùng trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị cho vụ hàng Tết. Đến tìm hiểu tình hình sản xuất, chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết tại Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, hối hả của hàng chục công nhân đang đóng chai nước mắm thành phẩm cho đợt hàng Tết.

Anh Lê Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Công ty, phấn khởi cho biết: Năm nay lượng đơn đặt hàng Tết của Công ty đã tăng gấp 2 lần với năm ngoái, gần như tất cả công nhân đều được huy động để đóng hàng Tết. Thời gian qua, Công ty đã nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì để chinh phục người tiêu dùng. Chính vì thế mà sản phẩm nước mắm Cái Rồng ngày càng được người dân ưa chuộng, ngoài những đơn hàng cho các đại lý truyền thống, chúng tôi còn nhận được nhiều đơn hàng lớn từ các doanh nghiệp đặt để làm quà Tết cho nhân viên.

Công nhân Công ty CP Thủy sản Cái Rồng đóng chai nước mắm phục vụ thị trường Tết.

Còn tại các vùng chuyên canh nông sản như cam, bưởi, hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh những ngày này cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng Tết. Các nhà vườn đều đang tích cực chăm bón để hoa quả chín rộ, đảm bảo tươi ngon đến khi thu hoạch. Ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) cho biết, qua các sàn thương mại điện tử, gia đình ông đã nhận được rất nhiều đơn hàng cho dịp Tết, mà gần nhất là cho rằm tháng Chạp và cúng ông Công, ông Táo.

Những năm gần đây, các sản phẩm nông sản, thủy sản của Quảng Ninh đã trở thành sự lựa chọn quen thuộc của nhiều người tiêu dùng khi mua sắm Tết. Bà Đỗ Thị Lan (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Mấy năm qua, thay vì lựa chọn các loại trái cây nhập khẩu để ăn Tết, gia đình tôi đã ưu tiên các loại hoa quả của Quảng Ninh như cam Vạn Yên, bưởi Đông Triều hay ổi Hoành Bồ. Chất lượng cũng ngon không kém mà lại có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng nên rất yên tâm.

Cam Vạn Yên, sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng.

Đó cũng là lý do các hội chợ OCOP xuân hàng năm đều thu hút lượng lớn người dân đến mua sắm, bởi hội chợ quy tụ gần như đầy đủ các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nổi bật nhất của Quảng Ninh như mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, thịt lợn Móng Cái, trứng vịt biển Tiên Yên, Đầm Hà… Theo anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Rui (huyện Tiên Yên), hội chợ OCOP xuân hàng năm chính là dịp để các cơ sở sản xuất đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu khi bán sản phẩm tại hội chợ cũng rất tốt, nên năm nay HTX của anh đã chuẩn bị nguồn hàng lớn để mang đến hội chợ OCOP phục vụ người dân sắm Tết.

Những thay đổi tích cực trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả tích cực của phong trào “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Hiệu quả từ đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất

Năm 2023, phong trào “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" tiếp tục lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp, trường học, thôn, khu phố, các điểm công cộng, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các điểm du lịch... Ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, cho biết: Phong trào "Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh và trong nước, dần hướng tới xuất khẩu. Đồng thời cũng giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu đúng về chất lượng của sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong tỉnh, tin tưởng và lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha diện tích trồng trọt đạt được chứng nhận VietGAP

Cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để phong trào lan tỏa rộng rãi, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo xây dựng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, có giá trị kinh tế cao, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đối với các vùng sản xuất lúa, rau, chè, vải, na, cam, bưởi...

Đến nay toàn tỉnh đã có 1.095 ha diện tích trồng trọt đạt được chứng nhận VietGAP và duy trì, kiểm soát về ATTP; 45 ha diện tích đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; cấp 48 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ nội tiêu, xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản được chứng nhận thủy sản xuất khẩu; 428 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản, đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn như GMP, SSOP, HACCP ...

Diện tích các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đều tăng so với trước khi quy hoạch, đặc biệt là vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó lúa chất lượng cao giống J02 và ST25 đạt trên 100 ha. Mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX Đông Triều với tổng diện tích 150ha. Vùng trồng rau an toàn tập trung ở Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà với diện tích 348 ha, sản lượng trên 31.520 tấn; vùng trồng hoa: tập trung tại Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên với diện tích 451ha, sản lượng đạt 131 triệu bông…

Các vùng trồng hoa tập trung ở Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên đã đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh với sản lượng đạt trên 130 triệu bông.

Hội Nông dân tỉnh tích cực giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong tỉnh. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân hơn 11 tỷ đồng cho 147 hộ nông dân vay thông qua 11 dự án, mô hình kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Liên Việt Postbank tín chấp cho nông dân vay gần 2.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề để bảo trợ hoạt động cho các hội viên, gắn kết các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với tổng số 566 sản phẩm, trong đó có 401 sản phẩm được cấp chúng nhận hạng từ 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử; triển khai liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, với tổng số 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia.

Hội chợ OCOP xuân hàng năm đã trở thành nơi mua sắm Tết yêu thích của người dân Quảng Ninh.

Các địa phương đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân/tổ chức, đã có nhiều mô hình liên kết điển hình ở các địa phương, hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao.

Các ngành chức năng, các địa phương cũng tích cực hỗ trợ thông tin đưa các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử http://postmart.vn; xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại website https://qn.check.net.vn/.

Các sản phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định sức lan tỏa của phong trào “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh".

Những nỗ lực từ các ngành, địa phương đã góp phần hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong tỉnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay nhiều sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa mà còn có mặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh dần trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là trong dịp Tết đến xuân về.

Theo Thu Hoài - Ngọc Ánh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7649 Tổng lượt truy cập 91812497