Xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ gộp vào loại hình taxi

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.

Theo đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe. Thế nên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành taxi. Việc này được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm bất cập của 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ hiện nay.

Năm 2016, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe Uber, Grab, sau đó là Be, Go-Viet, FastGo đã tạo ra sự cạnh tranh sôi động chưa từng có trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe dưới 9 chỗ. Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống. Trong khi taxi phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này.

Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh. Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống. Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) bày tỏ, cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.

Bộ GTVT đề xuất xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sẽ được gộp chung thành taxi.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới. Theo đó, loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi. Việc này để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng.

Ông Nguyến Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho rằng, hợp đồng là phương thức giao kết chứ không phải là loại hình kinh doanh. Lấy phương thức giao kết để đặt tên cho loại hình vận tải là không chính xác. Việc đưa hai loại hình này về cùng một điều kiện kinh doanh sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường. Khi đó, taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước, đảm bảo công bằng.

Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho hay, thời gian gần đây, doanh nghiệp taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt taxi, đặt xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ thông qua các thiết bị thông minh. Trong khi đó, loại hình xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử và taxi đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thực hiện “cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Đồng thời, phải có quy định để làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp, ứng dụng và sử dụng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải.

Dự thảo sửa đổi Luật GTĐB được xây dựng trên cơ sở tách Luật GTĐB năm 2008 thành hai luật khác nhau. Trong đó, một luật như hiện nay do Bộ GTVT soạn thảo và một Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì. Theo nhiều chuyên gia, việc tách luật tại thời điểm này là phù hợp với thực tế, sẽ góp phần hoàn thiện, phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật hiện nay. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; góp phần nâng cao chất lượng, điều kiện an toàn khi tham gia giao thông.

Giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông hiện nay; góp phần nâng cao nhận thức, văn hóa khi tham gia giao thông của người dân; tạo ra giải pháp đột phá nhằm kiềm chế, kéo giảm bền vững tai nạn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho xã hội do tai nạn giao thông gây ra. Ngoài ra còn phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo chinhphu.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9045 Tổng lượt truy cập 94792472