Vũ Thế Hùng - Một người trên cánh đồng chữ nghĩa

Nhà văn, thợ mỏ Vũ Thế Hùng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, hiện sinh sống tại phường Bắc Sơn (TP Uông Bí). Anh đã giành nhiều giải thưởng sáng tác như: Giải Thơ Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003, giải nhì Cuộc thi truyện ngắn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng nhiều giải thưởng khác của tỉnh và thành phố.

Tôi biết anh Vũ Thế Hùng làm thơ, viết văn, viết báo từ lâu. Nếu nghĩ về một ông nhà văn, nhà thơ hay nhà báo thì bao giờ cũng nghĩ đến một con người sôi nổi, hoặc là một tính cách khác, còn Vũ Thế Hùng cứ chầm chậm thế, ít vội vàng, ít xông xáo ở nơi được gọi là “trường văn, trận bút”. Nhưng tính cách ấy như hoàn toàn trái ngược với tâm hồn của một con người vốn dĩ đam mê văn chương từ thời thanh niên khi bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học. Anh từng được cử sang Triều Tiên học tập 7 năm liền. Về nước được phân công công tác ở mỏ than Vàng Danh. Ở mảnh đất than bụi ấy, anh bắt đầu những bài thơ đầu tiên, bắt đầu những truyện ngắn về vùng đất và con người Vùng mỏ. Cứ thế anh chầm chậm bước, đĩnh đạc xuất hiện là một tác giả viết văn, thơ và là cộng tác viên của báo chí tỉnh Quảng Ninh.

Vũ Thế Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng các văn nghệ sĩ trong một chuyến đi thực tế.

Tôi có kỷ niệm cực kỳ ấn tượng với anh khi đưa đoàn đi Trại sáng tác ở Đà Lạt năm 2005. Khi tôi chia các phòng cho mọi người xong xuôi thì một bác hội viên gọi tôi đến cạnh và nói nhỏ: “Cô cho tôi phòng khác đi, chứ ông P. ngáy to lắm. Tôi không ở chung phòng với ông ý được đâu, mà Trại những 15 ngày”. Tôi còn chưa biết xoay xỏa ra sao, vì kinh phí không dư dả để bố trí cho mỗi người một phòng thì Vũ Thế Hùng bảo tôi: “Này cô, tôi vừa nghe bác kia đề nghị cô rồi, cô cứ xếp anh P. ở với tôi đi. Tôi chịu được, khổ thân ông ấy ngáy to lắm. Anh em không ngủ được đã phàn nàn trên dọc đường đi”. Tôi nhanh miệng: “Vâng, thế thì còn gì bằng”.

Đó là kỷ niệm mà tôi nghĩ ít ai gặp tình huống như thế, chắc… chỉ có ở dân văn nghệ. Cả đoàn chúng tôi năm đó đều hết sức cảm ơn anh đã gỡ khó cho đoàn vì một chi tiết nho nhỏ mà… không nhỏ ấy. Sau chuyến đi đó, tôi và anh còn nhiều dịp gặp lại nhau ở hoạt động ngành Than, ở Uông Bí mà anh cũng là người rất nhiệt tâm với tác giả trẻ tàn tật Giai Tử. Công việc của anh sau nghỉ hưu ở mỏ than là tham gia công tác phường và hiện là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ văn hóa doanh nhân TP Uông Bí. Anh vẫn lặng lẽ viết, không khoa trương, không cao đàm khoát luận đâu đó.

Năm kia biết Vũ Thế Hùng bị trận ốm nặng, tôi chưa kịp hỏi thăm thì anh đã gọi bảo, anh khỏe rồi, anh có cuốn tiểu thuyết mới tặng cô. Tôi thật sự kinh ngạc, bởi lẽ, sức vóc ấy, lao động sáng tạo văn học đâu phải đơn giản cứ viết là được, mà phải lao tâm khổ tứ, phải có thời gian khai thác tư liệu, nhất là cuốn tiểu thuyết anh vừa xuất bản viết về lực lượng an ninh là đề tài rất khó viết. Thêm nữa, in sách - nhất là in các tập văn xuôi dày trên 500 trang in với số lượng ít hay nhiều thì cũng mất một khoản kinh phí không hề nhỏ. Sau đó thì tôi nhận được cuốn tiểu thuyết gần 600 trang in có thể coi như là 2 tập, vì trước đó anh đã cho in 1 tập - một cuốn tiểu thuyết không chỉ có độ dày về số trang mà có nguồn tư liệu khá phong phú, đọc cuốn hút.

Anh vẫn giữ phong thái điềm đạm, khiêm nhu, ít bày tỏ mình, vậy mà đọc văn anh thì sau nhiều truyện ngắn trước đó tôi đã đọc, đến cuốn tiểu thuyết viết về đề tài lực lượng an ninh có tên “Trận tuyến thầm lặng”, tôi thấy giọng văn anh đã vượt lên rất nhiều. Một tư duy văn học mạch lạc và chặt chẽ khi bố cục xuyên suốt nhân vật chính và những câu chuyện theo các vụ án của nhân vật chính, nhà văn đã tái hiện được những sự hy sinh thầm lặng của lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho dân, cho nước...

Tôi đọc xong và điện hỏi anh có cơ duyên nào mà anh lại viết được về công an, bởi lẽ, đề tài và lực lượng cảnh sát không dễ viết, không dễ có nhân vật “sống” được. Anh cười hiền đáp, thì anh tham khảo tài liệu, và cũng có nhân vật ngoài đời anh quan sát mà tạo nên nhân vật trong tiểu thuyết. Cũng cách tiếp cận đó, khi đi trại sáng tác Đà Lạt về thì anh có chùm truyện ngắn viết về vùng đất, con người anh đến, đi qua và bóng dáng nhân vật hiện ra ở khung cảnh ấy như “Biệt thự cô đơn”, “Chùm phượng tím”… Viết về Vùng mỏ nơi anh gắn bó cả cuộc đời có “Bố con ông quản đốc”, “Bảy Sẹo”, “Vợ chồng Tư Sỏi”…

Với Vũ Thế Hùng, anh không tìm cách tiếp cận đổi mới hay muốn làm mới, làm khác đi mong có sự chú ý của bạn đọc, mà anh giữ lối viết truyền thống, giọng văn mạch lạc, chấp nhận cả cách chuyển tải sự chân thật trong ngôn ngữ đối thoại bằng văn học. Anh không cố làm duyên, làm dáng, mà chỉ dốc hết khả năng của mình để viết được tác phẩm và truyền tải tinh thần của nhà văn thông qua nhân vật, đưa người đọc đến sự cảm nhận về nhân vật, về tác phẩm nhất định phải có hậu. Dù nhân vật phải trải qua bao bi kịch cuộc đời với mất mát, đau khổ… thì cuối cùng nhân vật thiện vẫn thắng thế nhân vật ác. Cái thiện thắng cái ác là tinh thần của nhà văn muốn truyền tới bạn đọc…

Trong gia tài sáng tác của nhà văn Vũ Thế Hùng, anh đã có 15 tập in chung, có 8 tập in riêng gồm thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Hành trình đến với văn chương của Vũ Thế Hùng theo như anh tâm sự thì anh manh nha những câu thơ, bài thơ đầu tiên khi bắt đầu theo học Đại học tại Triều Tiên từ cuối những năm 1960. Sau 7 năm học ngành Điện tại Bắc Triều Tiên anh trở lại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác một năm, rồi được Bộ Điện và Than khi đó điều về làm cán bộ tại mỏ than Vàng Danh. Anh từng đảm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy Trường Đào tạo công nhân mỏ than Vàng Danh khi ấy. Sau thì không còn trường đào tạo tại mỏ nữa, anh chuyển về làm việc ở phòng vật tư mỏ cho đến ngày được nghỉ chế độ. Quê anh ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nhưng ngày đó đi lại khó khăn, được phân công công tác về mỏ thì cũng yên tâm gắn bó với mỏ, cũng không nghĩ ngợi nhiều… Nghe anh tâm sự về dòng đời như vậy, tôi chợt thấy, anh như người thợ chuyên cần, như một con người biết chấp nhận công việc trong hoàn cảnh cụ thể và vì thế, tôi thấy hiếm có ai có cơ hội để di chuyển như anh lại… từ bỏ ý định di chuyển mà quyết gắn bó trọn đời với mảnh đất than bụi Vàng Danh đến bây giờ.

Có lẽ nhờ sự đam mê, nhờ những bước chân chầm chậm khiêm nhu của Vũ Thế Hùng mà những cuốn sách cứ lặng lẽ ra đời. Lặng lẽ nhưng không hề bị ẩn khuất sau cả núi sự kiện khác của cuộc sống vốn vô cùng bộn bề và hào nhoáng kia. Anh cứ đi theo con đường đã chọn, đi vì đam mê, đi vì muốn cống hiến cho bạn đọc những trang viết ý nghĩa của mình, về con người và cuộc sống xung quanh mà anh quan sát để hoài thai tác phẩm của mình. Và vì thế mà ở tuổi 70 nhà văn vẫn cho xuất bản cuốn tiểu thuyết dày dặn “Trận tuyến thầm lặng” như một cách định danh cho mình, sự thầm lặng bao giờ cũng là dòng chảy âm thầm mà mãnh liệt nhất.

Một nhà văn thợ mỏ chân chất, một con người khiêm nhu, một tác giả văn học cần mẫn mà tôi biết, thật sự là người hiếm trong văn chương thời mà các tác giả văn học đang bị lẫn lộn vào những thật giả.

 

Theo Vũ Thảo Ngọc/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79496 Tổng lượt truy cập 89263284