Văn hóa cơ sở ở Uông Bí: Hướng tới phát triển văn hóa lành mạnh và bền vững

Trong 3 năm qua, từ năm 2022 đến năm 2024, thành phố Uông Bí đã triển khai mạnh mẽ các chính sách xây dựng môi trường văn hóa cơ sở theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thành phố đã tập trung vào xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.

Tiết mục văn nghệ trong Chương trình nghệ thuật Uông Bí chào năm mới 2024.

Thông qua các văn bản hướng dẫn, quy định và kế hoạch hành động nhằm định hướng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, thành phố đặc biệt chú trọng tới việc tuyên truyền về tầm quan trọng của văn hóa trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các phòng, ban, đoàn thể thành phố cũng đã phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị truyền thống, qua đó xây dựng môi trường văn hóa.

Việc bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đang được đánh giá là một hướng đi đúng đắn để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác có sự quần tụ của đồng bào các dân tộc. Một trong những mô hình điểm của Uông Bí những năm qua, đó là việc triển khai thành công mô hình "Nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y" tại thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công. Không chỉ là một điểm đến thu hút nhiều du khách, đây còn là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc đặc sắc, tạo điều kiện cho khách du lịch và người dân trải nghiệm, học tập về di sản văn hóa của dân tộc Dao Thanh Y. Kinh phí cho dự án đạt 800 triệu đồng và dự kiến trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 1,5 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách.

Việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng được thành phố Uông Bí đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, thành phố đã có 30 di tích được kiểm kê và bảo tồn, trong đó có hai di tích cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt và 6 di tích cấp tỉnh. Các di tích này vừa là nơi bảo tồn giá trị văn hóa, vừa là điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào kinh tế địa phương. Đồng thời, thành phố cũng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống và phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số, thể hiện nét đặc trưng văn hóa của vùng đất Uông Bí.

Chương trình Làng Việt tết xưa - một trong các hoạt động được tổ chức tại Làng Nương, Yên Tử nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Trong 3 năm qua, thành phố đã đầu tư vào các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, trung tâm thể thao và điểm vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Hiện, thành phố có 10 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, 99 nhà văn hóa tại các khu dân cư, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa - văn nghệ. Nhờ đó, người dân có thêm không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần gắn kết và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về văn hóa, thành phố đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã góp phần duy trì các hoạt động văn hóa nghệ thuật, phong trào văn nghệ quần chúng tại cơ sở, giúp tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa sôi động cho người dân.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong xây dựng văn hóa ở cơ sở, song thực tế Uông Bí vẫn còn một số tồn tại như hệ thống thiết chế văn hóa chưa đáp ứng hết nhu cầu hưởng thụ của người dân. Tình trạng thiếu hụt cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa tại cơ sở cũng như thiếu hụt nguồn lực và đội ngũ nhân sự phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng là một trong những khó khăn nhất định. Cùng với đó, việc nâng cao ý thức pháp luật, đặc biệt là đối với giới trẻ nhằm xây dựng một cộng đồng văn minh, lành mạnh đi đôi với việc nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, điểm sáng văn hoá cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Để hướng tới phát triển văn hóa lành mạnh và bền vững, trong giai đoạn tới, thành phố Uông Bí xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa cho toàn xã hội, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác văn hóa. Thành phố cũng sẽ chú trọng đầu tư nguồn lực, xây dựng thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa đa dạng nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, di sản văn hóa địa phương sẽ tiếp tục được đặt lên hàng đầu, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15788 Tổng lượt truy cập 94756898