Uông Bí (Quảng Ninh): Gặp người từng bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ trên miền Bắc

Ngày 5-8-1964, trận đầu chiến thắng quân Mỹ không kích đất mỏ, như một tráng ca của người Quảng Ninh. Nhưng những xạ thủ bắn rơi chiếc máy bay bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc năm ấy, thì còn ít người biết đến họ.

Ngay ở tổ 5, khu 11, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, bà con lân gia cũng chỉ biết ông Đào Ngọc Sao người láng giềng của mình là một CCB. Không ai biết, 54 năm về trước ông từng cùng động đội bắn rơi máy bay Mỹ còn bắt sống được phi công.

Ông Đào Ngọc Sao người cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay, bắt sống giặc lái đầu tiên trên miền Bắc.

Giở lại trang sử ngày ấy, đêm ngày 31-7 rạng sáng ngày 1-8-1964, quân đội Mỹ khiêu khích cho tầu khu trục Maddox tiến sâu vào vùng biển miền Bắc nước ta từ Đèo Ngang (Quảng Bình) đến Hòn Nẹ (Thanh Hóa), có điểm chỉ cách đất liền 6 hải lý. Hải quân ta cho tàu ra xua đuổi, đôi bên có nổ súng. Hải quân ta khi ấy còn thiếu kinh nghiệp chiến đấu trên biển, truy đuổi tàu định vượt quá hải phận. Không ngờ rơi vào mưu sâu, kế hiểm của kẻ địch. Chúng tố cáo quân ta tấn công chúng ở hải phận Quốc tế và dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, để thực hiện dã tâm trực tiếp can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Ông Đào Ngọc Sao ở tổ 5, khu 11, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí.

Ngày 3-8-1964, quân Mỹ huy động trên 100 chiếc máy bay với 3 đợt không kích dữ dội các cửa biển quan trọng của ta từ Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An) đến Lạch Trường (Thanh Hóa). Trận không kích thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long) là ác liệt nhất. 14 giờ 30 phút ngày 5-8 năm ấy, hàng trăm chiếc máy bay Mỹ cất cánh từ Hạm đội 7, căn cứ Hải quân lớn của chúng ở vịnh Bắc bộ, chia làm nhiều tốp bay vào ném bom, bắn tên lửa vào tàu Hải quân ta đang neo đậu ở khu vực bến phà Bãi Cháy. 

Trung úy phi công Anvaret bị bắt sống ngay trận đầu quân Mỹ không kích miền Bắc 5.8.1964.

Khi ấy ông Đào Ngọc Sao là hạ sĩ khẩu đội trưởng khẩu đội 2, thuộc Trung đội 5 súng máy cao xạ 14,5mm, thuộc đại đội 141, tiểu 217. Đại đội trưởng là thượng úy, Đinh Công Sự; Chính trị viên Đại đội, là Lê Minh Lý. Trung đội 5 có khẩu đội của ông Sao, trung đội trưởng là Lê Xuân Kiệm (anh Kiệm đi tập huấn vắng đơn vị), trung đội phó Trương Thanh Luyện thay quyền chỉ huy. 

Trận địa pháo đại đội 141 của ông Sao bố phòng ở mỏm đồi gốc đa Hà Tu. Trận không chiến, đất đối không đang diễn ra quyết liệt, chiếc máy bay A4D (Skyhawk) của Mỹ bay thấp, hướng bay từ sông Bang theo dọc thung lũng Sặc Lồ ra biển, vào đúng tầm bắn của 4 khẩu 14,5mm 2 của đơn vị ông Sao. Trương Thanh Luyện chỉ huy Trung đội phất cờ, khẩu đội của ông Sao cùng cả trận địa pháo nổ sang. Bằng mắt thường ông Sao cũng nhìn thấy những viên đạn lửa đỏ lừ phầm phập cắm váo bụng chiếc máy bay, khiến nó bốc cháy rồi rơi ngay (tại chỗ) xuống cái Đầu Mối, cách trận địa hơn 1.000 mét. Phi công tên là Anvaret, Trung úy, nhảy dù xuống Khe Cá, Hà Tu, vùng nước ven vịnh Hạ Long, bị bố con người đánh cá gần đó bắt sống, giao cho đơn vị Hải Quân gần bờ. 

Trong 40 phút chiến đấu quân dân thị xã Hồng Gai nay là thành phố Hạ Long bắn rới 3 chiếc máy bay các loại.

Trong trận đầu chiến thắng không quân Mỹ (5-8-1964), quân dân thành phố Hạ Long bắn rơi 3 chiếc máy bay Mỹ, bắt sống phi công đầu tiên trên miền Bắc, một tráng ca của khu mỏ Quảng Ninh. Nhưng những xạ thủ làm nên lịch sử vẻ vang ấy, thì còn ít người biết. Cuộc chiến đã đi qua trên một nửa thế kỷ, người cầm súng khi ấy nay còn thọ rất ít. Ông Đào Ngọc Sao, người trực tiếp nảy cò cỗ súng 14,5mm bắn rơi máy bay ngày ấy, hiện ở tuổi 80 cư trú tại phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, còn ít người biết. 

Bố con người đánh cá tay không bắt sống được Anvaret, trung úy phi công Mỹ khi ấy còn 2 tay 2 súng côn xoay, thì đến nay chưa rõ tên tuổi, họ cư trú ở đâu. Ông Đào Ngọc Sao tuổi cao, vẫn là CCB mẫu mực ở khu dân cư.

Theo Vũ Phong Cầm/hoanhap.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20123 Tổng lượt truy cập 91348901