Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mọi nguồn lực để đất nước “cất cánh”
Hội nghị Trung ương 5 từng bước cụ thể hóa những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Sau 6 ngày họp tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã chính thức khép lại, thông qua nhiều nội dung quan trọng có ý nghĩa trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Cũng như hội nghị Trung ương 4, Hội nghị lần này tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời cũng dành nhiều thời gian để đánh giá toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về quản lý và sử dụng đất đai, về những tồn tại, hạn chế của mô hình kinh tế tập thể nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới theo mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hội nghị Trung ương 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4-10/5.
Tại hội nghị lần này, một lần nữa, Trung ương khẳng định những vấn đề mang tính cốt lõi.
Thứ nhất, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam
Thứ hai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường. Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.
Thứ ba, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan; Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức.
Thống nhất nhận thức về những vấn đề cốt lõi, Trung ương cũng phân tích toàn diện, sâu sắc, chỉ ra rất những bất cập, hạn chế trong phát triển nông nghiệp- nông thôn- nông dân, trong thực hiện chính sách- pháp luật về đất đai và phát triển kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tham dự Hội nghị Trung ương 5
Đối với công tác xây dựng Đảng, chính đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 5 tiếp tục khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng theo tinh thần “thà ít mà tốt” còn hơn “hữu danh vô thực”; khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên diện rộng, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như dư luận băn khoăn bấy lâu.
Theo đó, tại hội nghị lần này, Trung ương đã thông qua Nghị quyết về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới”; thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- người lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định: Những nội dung thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu. Chính vì vậy, tất cả những nội dung trên trước khi đưa ra Trung ương thảo luận đều đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm thành lập các ban chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các báo cáo, đề án để báo cáo Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến.
Với quan điểm xuyên suốt "phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt", Hội nghị Trung ương 5 từng bước cụ thể hóa những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới ,/.
Theo VOV.VN
Tin tức khác
- Tăng cường phối hợp quản lý công dân Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài
- Trường TH Quang Trung báo công dâng Bác tại Khu Di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí
- Khai mạc Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng truyền thống thành phố lần thứ 26 năm 2025
- Đại hội Chi bộ Công ty CP Cơ khí Uông Bí, nhiệm kỳ 2025-2027
- Phòng tránh ngộ độc rượu dịp cận Tết Nguyên đán
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Quy tắc 6 không bảo vê người dùng an toàn trên không gian mạng
- Những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm cho năm 2025 và những năm tiếp theo
- Cô giáo Trịnh Thị Thu Huệ - người truyền lửa nhiệt huyết
- Tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng Viên
- Bộ CHQS tỉnh phát động Phong trào Thi đua Quyết thắng và triển khai nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2025
- Công đoàn Công ty Than Uông Bí - TKV trao kinh phí hỗ trợ nhà ở cho công nhân