Thành phố gặp mặt các chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp đăng ký vào hoạt động tại cụm công nghiệp Phương Nam

Sáng 28/2, thành phố Uông Bí tổ chức gặp mặt các chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp đăng ký vào hoạt động tại cụm công nghiệp Phương Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Hoà - Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đức Hoà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 182 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời. Trong đó có 98 cơ sở đang hoạt động, 84 cơ sở đã ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động, hoặc chuyển đổi ngành nghề khác. Hiện tại. đã có 17/98 cơ sở đăng ký vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Phương Nam gồm các loại hình như: gia công cơ khí, sản xuất chế biến lâm sản, sửa chữa ô tô…

Tại hội nghị, đại diện 17 cơ sở đăng ký vào hoạt động tại cụm công nghiệp Phương Nam đã nghe lãnh đạo phòng Kinh tế thông tin về thời gian, tiến độ di dời, chấm dứt hoạt động, chuyển đổi ngành nghề đối với các cơ sở theo Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Các đại biểu cũng nghe lãnh đạo phòng Tài nguyên - Môi trường, phòng QLĐT và đại diện Công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh, Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phương Nam thông tin về quy hoạch chi tiết, các điều kiện theo tiêu chuẩn của ngành xây dựng - công nghiệp vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Phương Nam; giá thuê mặt bằng, hình thức hợp đồng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở di dời khi vào hoạt động tại cụm công nghiệp theo quy định; thông tin các ngành nghề bố trí theo quy hoạch, giá thuê đất, hình thức hợp đồng, các nghĩa vụ tài chính khác và quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư thứ cấp khi thuê mặt bằng, thuê đất tại Cụm công nghiệp Phương Nam…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong diện phải di dời vào cụm công nghiệp Phương Nam bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương của tỉnh, nhưng cũng đề nghị thành phố và chủ đầu tư có cơ chế đối với các cơ sở có nhu cầu hỗ trợ về tài chính trong việc thuê hạ tầng. Đối với các cơ sở chế biến dăm gỗ, việc phải di dời vào cụm công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển, thu mua nguồn nguyên liệu. Chính sách hỗ trợ chi phí di dời của tỉnh dành cho các cơ sở còn thấp, chưa phù hợp với tình hình hiện nay.

Đại diện các cơ sở tiểu thủ công nghiệp thuộc diện di dời vào cụm Công nghiệp Phương Nam phát biểu ý kiến.

Ý kiến của đại diện các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã được lãnh đạo các phòng, ban và đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh tiếp thu, giải đáp.

Lãnh đạo phòng QLĐT thông tin về quy hoạch chi tiết các điều kiện theo tiêu chuẩn của ngành xây dựng - công nghiệp vào hoạt động tại cụm Công nghiệp Phương Nam.

Đại diện Công ty Cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh (Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phương Nam) giải đáp các ý kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hoà - Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp cần khẩn trương làm việc với chủ đầu tư cụm Công nghiệp Phương Nam để được bố trí quỹ đất phù hợp theo ngành nghề, quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao phòng Kinh tế tiếp tục khảo sát, rà soát các cơ sở đăng ký di dời, chuyển đổi và chấm dứt hoạt động để tham mưu cho UBND thành phố ra quyết định kịp thời theo đúng lộ trình đề ra; giao UBND các xã, phường tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của nhà nước đến các cơ sở tiểu thủ công nghiệp thuộc diện phải di dời vào cụm công nghiệp Phương Nam và việc phải chấm dứt hoạt động của các cơ sở theo Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh để các cơ sở biết và chủ động chấm dứt hoạt động nếu không đăng ký vào cụm công nghiệp Phương Nam.

Hải Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 32916 Tổng lượt truy cập 91724834