Nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Năm 2013, Quảng Ninh đã quyết định phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP Quảng Ninh). Đây cũng là một nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm nông sản của các địa phương.

Người dân xã Sơn Dương (huyện Hoành Bồ) thu hoạch ổi.

Còn nhớ cách đây nhiều năm về trước, miến dong Bình Liêu mặc dù rất ngon nhưng không có nhiều người biết đến, người Bình Liêu trước đây tráng miến bằng tay, sản xuất miến theo kiểu hộ gia đình, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Tuy nhiên, khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, được tỉnh hỗ trợ từ khâu chế biến đến hoàn thiện cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, hiện các sản phẩm miến dong Bình Liêu của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu (đơn vị sản xuất miến lớn nhất của huyện) đã được chuẩn hóa về mọi mặt.

Đặc biệt, sau khi được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP 4 sao, miến dong Bình Liêu đã được đông đảo người dân trong tỉnh và khách du lịch biết đến. Có những thời điểm, sản phẩm không đủ để phân phối đến tay người tiêu dùng và hiện đã có mặt ở hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc.

Từ thành công này, miến dong Bình Liêu không những là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, mà còn là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Vùng nguyên liệu miến dong đã được huyện quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng lên hơn 250ha. 

Hay như với quả ổi ở Hoành Bồ, khi chưa tham gia chương trình OCOP, sản phẩm này rất ít người biết đến, chủ yếu chỉ được trồng tại xã Dân Chủ. Thế nhưng sau khoảng 2 năm tiến hành chuẩn hóa và đẩy mạnh khâu tiêu thụ, loại nông sản này ngày càng được yêu thích, nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng cao. Từ hiệu quả của loại trái cây này, huyện Hoành Bồ đã tập trung nhân rộng mô hình trồng ổi lê Đài Loan trên diện tích 40ha tại các xã: Dân Chủ, Sơn Dương, Tân Dân, Quảng La, Lê Lợi... và hướng tới phát triển 50ha vào năm 2020.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) - Một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP.

Đến nay, rất nhiều nông sản của tỉnh đã phát triển thành những sản phẩm mới, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ví dụ, từ cây chùm ngây đã phát triển thành các sản phẩm như bánh chưng, bánh quy, bánh ga tô chùm ngây; từ củ ba kích có rượu ba kích, cao ba kích, kẹo ba kích; từ nếp cái hoa vàng Đông Triều đã có rượu nếp cái hoa vàng, cốm nếp cái hoa vàng... Từ đây, các vùng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế lớn đã đến tìm hiểu và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đặc biệt, các sản phẩm từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ có 48 sản phẩm OCOP, đến nay đã có 322 sản phẩm. Trong đó, 139 sản phẩm đạt từ 3-5 sao; trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc. Riêng về doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất trong năm 2017 đạt gần 700 tỷ đồng, nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%.

Thành công của chương trình OCOP chính là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh, góp phần tăng thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cũng chính là đích đến trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thông qua việc nâng tầm các nông sản địa phương.

Theo Hoàng Nga/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15105 Tổng lượt truy cập 94755284