Không ngừng nghỉ trên hành trình cải cách

Quảng Ninh 7 năm liên tiếp đứng vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 6 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 5 năm dẫn đầu Chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), 2 lần có điểm số đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cao nhất toàn quốc, hiện dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Những thành tích trên hành trình cải cách đã xây dựng thương hiệu Quảng Ninh “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2023.

Nhất quán quyết tâm trên hành trình cải cách

Tỉnh Quảng Ninh xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Để thực hiện nhiệm vụ này cần có những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Năm 2012 tỉnh thuê các tư vấn hàng đầu thế giới lập đồng thời 7 quy hoạch chiến lược. Đến thời điểm hiện tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 vẫn kế thừa phát huy 7 quy hoạch chiến lược đã xây dựng, tiếp tục xác định quan điểm về chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” và định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Đồng thời xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột “thiên nhiên, con người, văn hóa”.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhận định: Bất cứ địa phương nào trên con đường thu hút đầu tư cũng cần có một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định và có độ tin cậy cao. Các nhà đầu tư có tiềm lực thế giới đã và đang tìm đến, lựa chọn Quảng Ninh trước hết là nhờ sự công khai, minh bạch trong các quy hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Cùng với đó, với những lợi thế về vị trí địa lý, cửa khẩu, hạ tầng giao thông đồng bộ cả đường bộ, hàng không, hàng hải và các KKT, KCN trải dài khắp tỉnh… Quảng Ninh đang là ưu tiên hàng đầu để lựa chọn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm số PCI của Quảng Ninh 7 năm liên tiếp đứng ở vị trí quán quân.

Cùng với đó, Quảng Ninh kiên trì nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược, tạo đột phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, hội nhập phát triển; chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và về phát triển nguồn nhân lực.

Thành công của Quảng Ninh còn đến từ sự kiên trì, bền bỉ trong thí điểm triển khai nhiều mô hình mới, mang tính đột phá như: Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương; tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử nay là chính quyền số... Đến nay thời gian giải quyết TTHC đã được cắt giảm trung bình từ 40-60% so với quy định; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn luôn đạt trung bình trên 99%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt gần 80%; thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ trên 99%...

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp với các dự án chất lượng.

Nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh thực hiện thực chất các bộ chỉ số đánh giá mức độ tín nhiệm bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở, như: Chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), Chỉ số đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử (ICT). Định kỳ hằng tháng, hằng năm, đặc biệt là sau mỗi kỳ trung ương công bố kết quả các chỉ số cải cách, tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức đánh giá kết quả công tác CCHC, phân tích các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Qua đó các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt được thông tin kết quả đạt được, chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC.

Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật… Đồng thời xây dựng đội ngũ CBCCVC đề cao và thực hành văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành và văn hóa thực thi cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp; được dẫn dắt, định hướng, định hình và lan tỏa bởi sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế với tinh thần “5 thật - 6 dám”.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Trong quá trình quản lý, điều hành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn sâu sát, trách nhiệm, lắng nghe các ý kiến, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư dành cho tỉnh không ngừng nâng cao.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khánh thành tháng 9/2022, Quảng Ninh hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển.

Với những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, không có điểm kết thúc, Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu về một điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đến nay, Quảng Ninh thu hút trên 566.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó vốn FDI đạt 7,72 tỷ USD, gấp 3,3 lần cả nhiệm kỳ 2016-2020, năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước, quý I/2024 đạt hơn 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch.

Quảng Ninh 9 năm liên tiếp (2015-2023) duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, riêng năm 2023 đạt 11,03%. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc, năm 2023 đạt trên 315.800 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2010, gấp 1,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 9.500 USD, cao nhất so với các địa phương phía Bắc. 

Thách thức trong giai đoạn mới

Thành tích Quảng Ninh đã đạt được trên chặng đường vừa qua là rất lớn, đáng ghi nhận, đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, trong đó cần xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ, kiến tạo cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, xây dựng Quảng Ninh lớn mạnh hơn nữa.

Tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI năm 2023.

Quan điểm của tỉnh là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở… được quán triệt và thực hiện xuyên suốt thời gian qua. Để đạt được mục tiêu tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số cải cách, tỉnh xác định sẽ phải đối mặt và vượt qua áp lực rất lớn với nhiều thử thách phía trước.

Chương trình "Cafe doanh nhân" được các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức định kỳ.

Năm 2023 Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI toàn quốc với 71,25 điểm, nhưng so với năm 2022 giảm 1,7 điểm. Bên cạnh 3 trục chỉ số chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức tăng điểm, thì các chỉ số thành phần lại giảm điểm hoặc đứng yên. Trong 18 năm tham gia vào PCI, chỉ có năm 2020 tỉnh đạt được điểm số 80/100 điểm, các năm khác đều chỉ hơn 70 điểm. Đối với Chỉ số PAR Index, năm 2023 Quảng Ninh đứng thứ nhất bảng xếp hạng với 92,18 điểm, vượt 2,08 điểm so với năm 2022. Tuy nhiên, khoảng cách điểm với các địa phương trong tốp 5 đã trở nên rất sát. Trong 8 chỉ số thành phần của năm 2023, tỉnh có 4 chỉ số giảm thứ hạng, trong đó chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách công vụ giảm sâu thứ hạng.

Năm 2023 Quảng Ninh đứng đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, là điều khích lệ cho quá trình rất kiên trì, bền bỉ và nỗ lực thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” tỉnh đã thực hiện suốt cả thập niên qua. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận điểm yếu của Quảng Ninh hiện nay là chuyển đổi số và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC trực tuyến.

Những phân tích từ điểm số PCI, PAR Index, PGI năm 2023 của tỉnh đòi hỏi mỗi CBCCVC, cả hệ thống phải thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc hằng ngày gắn với từng trục nội dung chỉ số, vừa cần có quyết tâm lớn, quyết liệt cao, vừa phải biết làm, dám làm để giữ vững vị trí dẫn đầu, có được sự bứt tốc trên bảng xếp hạng những năm tiếp theo. 

Những thành tựu đã đạt được trong hơn 10 năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Quảng Ninh đã mang diện mạo mới, vị thế, tầm vóc mới; từng bước định hình hệ giá trị địa phương với 6 giá trị cốt lõi: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Đây là động lực, là nền tảng để Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo Song Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18434 Tổng lượt truy cập 94762618