Du khảo: Chiêm ngưỡng sắc hoa Yên Tử trong không gian Phật giáo mùa Xuân

Đến Yên Tử vào mùa xuân, du khách không chỉ được thành tâm lễ Phật mà còn được chiêm ngưỡng mùa hoa mai vàng khoe sắc, hoa vàng anh bung nở, tạo nên một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp chỉ có riêng trên vùng đất thiêng Yên Tử.

Tương truyền, cách đây hơn 700 năm, khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, nhà Vua đã cùng với các tín đồ Phật tử đã trồng những cây mai vàng đầu tiên tại đây. Sau nhiều năm được bàn tay chăm sóc của các tín đồ Phật tử  và sự ưu ái của thiên nhiên, từ những cây mai nhỏ bé nay đã trở thành những “Đại lão mai vàng Yên Tử”.

Trong những tháng đầu Xuân, Non thiêng Yên Tử như được khoác lên mình một tấm áo mới nhiều màu của những sắc hoa rừng đan xen với những trồi non của cỏ cây hoa lá. Sắc hoa đặc trưng nhất của Yên Tử đó là Hoa Mai vàng – một loài hoa quý chỉ có ở vùng đất thiêng Yên Tử. Mai vàng – màu hoa đẹp tới nao lòng khi những bông hoa đua nhau nở rộ vào giữa dịp Hội xuân Yên Tử hàng năm.

Theo các nhà nghiên cứu, mai vàng Yên Tử cùng loài mai vàng miền Nam, song phải chăng do sự khác biệt về thời tiết hay sống trong không gian của vùng đất “Địa linh” mà mai vàng Yên Tử đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái. Nếu mai vàng miền Nam hoa có nhiều cánh, màu vàng nhạt, không có mùi thơm thì ngược lại mai vàng Yên Tử hoa có 5 cánh, nở theo chùm, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng, dễ chịu.

Đó chính là những vẻ đẹp riêng của mai rừng Yên Tử. Với những đặc tính vốn có, mai rừng Yên Tử được các giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá đây là một nguồn gen quý của Việt Nam, Hiện nay tại Yên Tử đã nhân giống để bảo tồn và phát triển loài mai này.

Mai vàng Yên Tử sinh trưởng, phát triển ở độ cao trên dưới 500m so với mực nước biển, khu vực tập trung nhiều nhất là chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, thác Vàng ... Sinh trưởng trên vùng đất thiêng, bên những vách đá cheo leo hoặc cạnh những con suối, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhưng mai vàng Yên Tử vẫn có tuổi thọ hàng trăm năm và vẫn nở rộ sắc xuân vào tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Nhiều người cho rằng, mai vàng Yên Tử là một biểu tượng thanh cao, tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các Hoà thượng đã dày công vun xới, là loài hoa quý còn mãi với thời gian , mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh gắn với non thiêng, như sự trường tồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Đến nay, theo số liệu kiểm đếm của Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, hiện còn 268 cây mai vàng sinh trưởng ở độ cao trên 600m so với mặt nước biển. Đặc biệt ở rừng già còn 21 cây mai có tuổi đời trên 100 năm được công nhận là cây di sản.

Yên Tử vào tháng 3 không chỉ rực rỡ với sắc vàng của mai rừng mà còn được tô điểm thêm sắc màu của hoa vàng anh nở rộ.

Đến với Yên Tử vào những ngày tháng 3, khi du khách hành hương bằng đường bộ hoặc bằng cáp treo, du khách cũng sẽ bắt gặp những cây hoa vàng anh đang nợ rộ khắp núi rừng Yên Tử. Hoa Vàng anh tập trung nhiều ven các con suối ở Yên Tử và khu vực chùa Giải Oan lên đến Hoa Yên, thỉnh thoảng có những cây đan xen trong cánh rừng bạt ngàn của Yên Tử, vào mùa hoa nở tạo lên một sắc xuân rực rỡ cho vùng đất Phật linh thiêng.

Vàng anh là một loại cây thân cây gỗ lớn, tán rộng tỏa ra cho bóng mát, mùa hoa nở từ tháng 3 – 4, mùa của quả từ tháng 7-10, hoa mọc thành chùm, có màu vàng tươi thắm với hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ gây thương nhớ cho du khách khi hành hương về Yên Tử vào đúng mùa hoa nở.

Cây vàng anh còn được gọi là cây vô ưu, là cây đặc trưng của Đạo Phật, nhiều nhà khoa học cho rằng cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Malaysia, tiếng Ấn gọi là Ashok, tiếng Phạn có nghĩa là Ashoka (có nghĩa là không phiền muộn) và cũng từ đó mà cây có tên gọi theo tiếng anh là Ashoca tree.

Vàng anh luôn là loài hoa trượng trưng cho Đạo Phật, nên được trồng nhiều trong các đình chùa và các công trình Phật giáo. Vàng anh – vào mùa hoa nở như càng tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Yên Tử, tạo lên một màu văn hóa tâm linh cho mảnh đất Phật linh thiêng.

Theo số liệu cập nhật của Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử đến hết quý I/2023, Yên tử đã đón gần 500.000 ngàn du khách thập phương về Yên Tử lễ Phật và vãn cảnh mùa Xuân.

Theo Quang Thân/m.vietnamfinance.vn. 
Ảnh: Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử (cung cấp)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7401 Tổng lượt truy cập 94789065