Điều trị ung thư tại Việt Nam nhiều kỹ thuật tương đương thế giới

Trong 4 thập kỷ qua, điều trị ung thư tại Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, nhiều kĩ thuật hiện tương đương thế giới, trong đó 2 tiến bộ mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch

Ngày 15/12, Bộ môn Ung thư tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Bộ môn. Trụ sở của Bộ môn được đặt tại Bệnh viện K, Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực điều trị ung thư. Lịch sử phát triển của Bộ môn Ung thư luôn đồng hành và gắn liền với lịch sử phát triển của Bệnh viện K...

Trong giai đoạn đầu khi mới thành lập, Bộ môn gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy thiếu thốn…Tuy nhiên bằng tình yêu nghề, bằng tài năng và tâm huyết, các thầy cô đã vượt qua và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ giảng dạy, khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu lễ kỷ niệm 40 năm thành lập bộ môn ung thư.

Bên lề lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bộ môn Ung thư, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ nhiệm bộ môn chia sẻ, trong 4 thập kỷ qua, điều trị ung thư tại Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, nhiều kĩ thuật hiện tương đương thế giới.

2 tiến bộ mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch. Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tái phát di căn tại tuyến trung ương đều được sử dụng thuốc nhắm trúng đích, hiện BHYT hỗ trợ chi trả 50%.

Các số liệu theo dõi cho thấy, các bệnh nhân ung thư phổi, gan, buồng trứng, vú, đại trực tràng, thận, khoang miệng… khi sử dụng thuốc điều trị đích đều tăng thời gian sống thêm. Với ung thư phổi, khi dùng thuốc Tyrokinase thế hệ thứ 3 có thể kéo dài thời gian sống thêm gần 39 tháng (hơn 3 năm) so với trước.

Với liệu pháp miễn dịch, đây chính là xu hướng điều trị ung thư trong tương lai. Tại Việt Nam đang triển khai 2 phương pháp.

Thứ nhất, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để tháo bỏ những “chốt” do tế bào ung thư tạo ra nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, chi phí dùng thuốc đắt, tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng thấp và chỉ tháo được 15-20% “chốt”, không phải tất cả.

Tại Bệnh viện K, một số bệnh nhân tự bỏ tiền điều trị liệu pháp này với chi phí khoảng 120 triệu mỗi tháng, một số trường hợp khác được các hãng dược lớn hỗ trợ.

Phương pháp thứ hai, dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường sức để kháng để “đánh bại” tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng Bộ môn ung thư tặng hoa các thầy của bộ môn.

Tại Việt Nam, phương pháp truyền tế bào miễn dịch được GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội cùng cộng sự tiếp nhận chuyển giao từ Nhật Bản.

Thầy của GS Văn là GS Tasuku Honjo, Đại học Kyoto, Nhật Bản là một trong 2 nhà khoa học nhận giải Nobel Y học năm 2018 khi nghiên cứu ra liệu pháp điều trị ung thư mới kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư.

3 năm qua, Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với nhiều bệnh viện, thử nghiệm lâm sàng trên gần 60 bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, dạ dày, vú… và hiện đang bước vào giai đoạn cuối.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, các tiến bộ trong phẫu thuật, xạ trị ung thư tại Việt Nam cũng tiến những bước rất dài với kĩ thuật phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, cắt hớt niêm mạc, phẫu thuật robot, phẫu thuật bảo tồn, tạo hình.

Trong lĩnh vực xạ trị, Việt Nam có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: Xạ trị theo hình khối u; xạ trị điều biến liều; xạ trị hướng dẫn ảnh, xạ trị điều biến theo thể tích hình cung; xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở Gamma knife…

PGS.TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K cho biết trong 4 thập kỷ qua, điều trị ung thư tại Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, nhiều kĩ thuật hiện tương đương thế giới, trong đó 2 tiến bộ mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch

Dù vậy, điều trị ung thư tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn. PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết, riêng ung thư phổi, ung thư gan, có tới trên 75% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn.

Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1980 do PGS.BS Phạm Thuỵ Liên (khi đó đang làm Giám đốc Bệnh viện K) làm Chủ nhiệm, cùng với những cán bộ đầu tiên của bộ môn là BS. Bùi Nghĩa, BS. Trần Thị Hợp, BS. Hồ Thị Minh Nghĩa; CN Lê Thị Chung, BSNT Nguyễn Đại Bình, BSNT. Nguyễn Văn Hiếu, BSNT Đặng Văn Chính, BSNT. Lê Chính Đại.

Tiếp nối những thành quả đáng trân trọng đó, các thế hệ lãnh đạo Bộ môn sau này như GS.TS Nguyễn Bá Đức (Từ 1996- 2009), PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu (Từ 5/2009-2016), PGS.TS Lê Văn Quảng (10/2016 - 9/2019) và GS.TS Trần Văn Thuấn (từ tháng10/2019 đến nay) đã tiếp nối nhau vun đắp, xây dựng, đưa Bộ môn phát triển đi lên về cả số lượng và chất lượng, trở thành cơ sở hàng đầu đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho chuyên ngành ung thư trên toàn quốc.

Tính đến năm 2020, Bộ môn có 21 cán bộ cơ hữu và 27 giảng viên thỉnh giảng: 06 GS. PGS, 03 TS, 15 Thạc sĩ, bác sĩ nội trú với đầy đủ chuyên môn sâu thuộc các phân môn trong chuyên ngành Ung thư. Bộ môn Ung thư đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo đại học và sau đại học tạo ra nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; đồng thời cán bộ của Bộ môn tham gia công tác khám và điều trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội với chuyên môn cao.

Trong suốt 40 năm qua, từ mái nhà Bộ môn ung thư, hàng ngàn lượt học viên, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ung thư đã về công tác tại các bệnh viện/trung tâm/khoa/bộ môn ung thư trên cả nước, đóng góp to lớn trong công tác phòng chống ung thư cũng như sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Bộ môn Ung thư luôn là Bộ môn được sinh viên đánh giá cao về chất lượng giảng dạy trong Nhà trường.

Cùng với nhà trường, Bộ môn có nhiều chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học Y ở Pháp, Australia, Hoa Kỳ (ĐH Y Havard),…

Song song với đó, cán bộ các thế hệ cán bộ Bộ môn đã chủ trì, tham gia nghiên cứu hàng chục đề tài cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp bộ- hợp tác quốc tế, hàng ngàn đề tài cấp cơ sở, đăng hàng ngàn bài báo trên các tạp chí khoa học Y Dược uy tín trong nước và quốc tế; chủ biên, tham gia biên soạn hàng trăm sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các thế hệ sinh viên, học viên. GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Trưởng Bộ môn đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh; GS.TS Trần Văn Thuấn, Trưởng Bộ môn đạt giải nhất giải Nhân tài Đất Việt về khoa học Y Dược; PGS.TS Lê Văn Quảng đạt giải thưởng Đặng Văn Ngữ, đây là giải thưởng vinh danh các tác giả có nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín.

Đánh giá cao những thành quả, nỗ lực của Bộ môn Ung thư đã đạt được sau chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ môn Ung thư cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, có khát vọng, chiến lược phát triển để đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy một cách toàn diện đối với tất cả các ngành, trình độ đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn của khu vực và thế giới. đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt quan tâm đầu tư cho các công trình nghiên cứu có thể đăng và công bố quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế với các trường y có uy tín trên thế giới, tranh thủ các học bổng để đưa cán bộ giảng viên đi đào tạo sau đại học ở ngước ngoài, đồng thời có thể thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu các dự án, đề tài theo diện Nghị định thư...

 

Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4746 Tổng lượt truy cập 94784146