“CÒN HAI NGƯỜI CŨNG HỌP!” - Tác giả: NGUYỄN XUÂN VINH

Đội Nhiễu, thuộc Bộ Tham Mưu Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ), đơn vị khởi đầu ngành Tác chiến điện tử của Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân của Đại đội Ba (Nhiễu) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đã từ lâu không còn phiên hiệu nhưng những kỷ niệm về chiến tranh, về đơn vị, về tình đồng đội vẫn còn mãi trong ký ức của những người lính“Nhiễu” năm nào. Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN và 50 năm ngày thành lập Đội Nhiễu (10/01/1967-10/01/2017), Đài TT-TH Uông Bí xin trân trọng gửi tới quí vị hồi ức của Tác giả Nguyễn Xuân Vinh, một trong những chiến sĩ đầu tiên của đơn vị đặc biệt này.

“CÒN HAI NGƯỜI CŨNG HỌP!”                  

Tôi là một trong 34 cán bộ và chiến sĩ có mặt tại Đội Nhiễu vào đầu năm 1967, do đại úy Phan Thu làm Đội trưởng. Tôi không hề giám so sánh, nhưng có một điều là con số 34 con người về với Đội Nhiễu, khiến tôi liên tưởng tới 34 cán bộ chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân năm xưa. Cho đến bây giờ tôi vẫn lấy đó làm niềm tự hào, vui sướng khi kể cho con cháu và bè bạn nghe về 34 con người ấy, về thời khói lửa ấy...

Ký ức những ngày đầu

Đội Nhiễu ra đời vào những ngày chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc ác liệt nhất (10/01/1967). Hầu hết đều là cán bộ, chiến sĩ từ Ra đa về với Đội Nhiễu nên chúng tôi được biết: Tất cả các loại Ra đa trong lực lượng Phòng Không Không Quân của ta đều bị nhiễu nặng, khó phát hiện địch để đánh địch. Đội Nhiễu được hình thành trực thuộc Phòng Quân báo Bộ Tham Mưu QC-PKKQ, với nhiệm vụ nghiên cứu nhiễu để đánh địch. Các thiết bị đều được mang từ Liên Xô sang. Các chuyên gia mở từng hòm thiết bị, thơm nức mùi gỗ mới tinh. Tất cả đều xinh xắn, gọn nhẹ. Có cả những chiếc đồng hồ đeo tay hấp dẫn. Cắm điện, bật máy, những đèn xanh đỏ nhấp nháy, đeo cáp vào tai, âm thanh rào rào. Chúng tôi - những người lính Việt Nam - được các chuyên gia quân sự Liên Xô trực tiếp hướng dẫn sử dụng, thu các tín hiệu nhiễu phục vụ cho nghiên cứu khoa học quân sự. Chính những đèn xanh đỏ ấy, chính những âm thanh rào rào ấy mà sau này chúng tôi đã làm nên công trạng...

Những ngày đầu xây dựng đơn vị, chúng tôi ở ngay cạnh sân bay Bạch Mai, gần với Trung đoàn thông tin 26, đơn vị có nhiều nữ chiến sĩ. Chưa kịp xây dựng bếp ăn, chúng tôi sang đó ăn nhờ. Và vì đi ăn nhờ, những chàng lính trẻ chúng tôi lấy làm hãnh diện với chị em bên đó bởi mỗi người có một chiếc đồng hồ đeo tay được đơn vị trang bị.

Do yêu cầu nhiệm vụ, ít tháng sau chúng tôi chuyển về đóng quân tại trường Nhi Đồng Miền Nam thuộc Đống Đa - Hà Nội. Tại đây đơn vị chúng tôi lớn lên cả về chất lượng và số lượng. Đó cũng là những năm tháng mà chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ liên tục đánh vào Miền Bắc, đặc biệt là vào Hà Nội, buộc chúng tôi phải đối phó, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người và thiết bị. Nhưng địch vào nhiều chúng tôi cũng có được nhiều kinh nghiệm hơn, thu được nhiều hơn những dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu khoa học điện tử.

Những bông hoa đồng nội

Vào thời điểm này đơn vị chúng tôi cũng đã đông lên về đội ngũ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị bạn, ở các bộ phận nghiên cứu khoa học của quân chủng được điều về. Không chỉ có trắc thủ mà còn có cả báo vụ, tiêu đồ, cơ yếu…Một điều rất vui nhưng cũng không kém phần phức tạp đó là việc nhận 16 “tân binh gái” vào đơn vị. 16 cô gái, 16 bông hoa đồng nội từ miền quê Sơn Tây về với đơn vị. Trong số họ có người đã là đảng viên. Nhưng văn hóa thì không đồng đều, có người đã tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, có người lại chỉ mới lớp 5, lớp 7. Có người xin được nhập ngũ chỉ vì để được gọi nhau là “đồng chí”. Thế thôi! Họ đâu có nghĩ tới gian khổ là gì, hy sinh là gì? Cái chung nhất là họ đều còn rất trẻ, hăng hái, nhiệt tình, và đặc biệt là đang cùng ở độ tuổi yêu đương mãnh liệt. Có họ, chúng tôi cũng trở nên chỉn chu hơn, ăn nói, đi đứng đĩnh đạc, cẩn thận hơn. Ngoài những giờ huấn luyện rồi trực chiến, họ như những con chim sáo tung tăng trong đơn vị. Và rồi họ hát. Những cô gái quê hương “con bo vang” (con bò vàng) lại hát rất hay mang niềm vui cho đơn vị. Sự có mặt của những cô gái ấy cũng là cái khó cho công tác huấn luyện kỹ thuật quân sự cũng như công tác quản lý con người. Nhưng tất cả các “chiến sĩ gái” ở đơn vị chúng tôi thời ấy đã vượt qua tất cả. Dù đóng quân ở Hà Nội, Hải Phòng hay vào với khu 4, rồi biên giới Việt Lào, với phiên hiệu Đại đội 52 trong chiến dịch cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng…Cho đến lúc ra quân, họ đã góp một phần quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mà không hề để lại điều gì phải chê trách. Bây giờ họ đã trở thành bà nội, bà ngoại, có người đã nên cụ.

Trên tuyến lửa

Do có nhiệm vụ trinh sát điện tử, nên chúng tôi cơ động thường xuyên để có được những dữ liệu mới và phong phú. Ngay trong năm 1967, một tổ công tác đã ngược đường lên tận Điện Biên. Cuối năm 1968, Đế quốc Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra, chúng tôi đã có mặt tại Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị.

Trên một chiếc Gát 63, chở nặng khí tài, chúng tôi có gần 20 người gồm cả sĩ quan và chiến sĩ do Đội trưởng - đại úy Phan Thu dẫn đầu, xuất phát từ Hà Nội hành quân dọc đường Một. Nhưng đến đoạn qua Can Lộc - Hà Tĩnh, chúng tôi phải vòng vào Ngã 3 Đồng Lộc (vì đường Một bị tắc). Đồng Lộc lúc này, đông ngàn ngạt những xe quân sự vào, ra qua đường Trường Sơn, tiếp tục chi viện cho tiền tuyến. Dù không còn bom đạn Mỹ trực tiếp bắn phá, nhưng san sát những hố bom sâu, rồi bom nổ chậm, nếu không có sự hướng dẫn của Thanh niên xung phong cũng khó lòng qua được. Qua Đồng Lộc, bằng con đường 15 gập ghềnh thác lũ, sau những lần xe bị patilê, cả đoàn hò nhau đẩy, chúng tôi cũng đến được phà Xuân Sơn, lại trở ra đường Một. Và rồi có mặt tại Vĩnh Nam - Vĩnh Linh vào cuối tháng 11 năm 1968. Tại đây chúng tôi mở máy thu được rất nhiều tín hiệu nhiễu các loại của địch.

Ở Vĩnh Nam chưa đầy nửa tháng, chúng tôi được lệnh về Cà Ròong, nhưng do nhầm lẫn thế nào trong dịch mã cơ yếu, chúng tôi lại về đóng quân tại mũi Ròn - Quảng Bình. Chúng tôi đóng quân trong một làng mà bà con đã đi sơ tán tất cả. Làng chỉ còn là những ngôi nhà cháy nham nhở, cả thời gian ở đây không một bóng người dân nào qua lại.               

Ở mũi Ròn cũng chỉ khoảng nửa tháng, chúng tôi được lệnh lên Cà Ròong, tại km 54 đường 20 Quyết Thắng. Đường đi toàn dốc cao, đất đá lởm chởm, dày đặc những hố bom. Hai bên đường là những thân cây cháy trụi, không còn vạt cỏ nào nguyên vẹn. Ngầm Cà Ròong là một trọng điểm, địch đánh phá ác liệt ngày đêm. Để cho an toàn và dễ cho việc thu tín hiệu, chúng tôi phải lên cao điểm 671m, cách xa đường 20 đến 5 - 7km, nơi vẫn còn rừng già bao phủ. Được sự hỗ trợ của một Đại đội Thanh niên xung phong, chúng tôi tháo rời một số khí tài, chia nhau gùi lên đỉnh cao. Đặc biệt là chiếc máy phát điện nặng mấy tạ, chúng tôi cũng tháo ra làm nhiều bộ phận. Riêng đầu máy phát, tôi được phân công cùng 3 đồng chí khác dùng đòn khiêng vượt suối, leo dốc. Sau một ngày vất vả, sau những lần nghỉ chân để bắt những con vắt no mọng trên người, rồi lại thay nhau khuân vác, chúng tôi cũng lên được đỉnh cao điểm vào lúc nhập nhoạng tối. Ngày hôm sau mở máy làm nhiệm vụ. Suốt thời gian trên cao điểm này, bằng những tín hiệu nhiễu, chúng tôi đã tìm ra quy luật của máy bay B52 khi xuất hiện vào khu vực. Bằng thông tin vô tuyến, báo vụ, cơ yếu chúng tôi báo cáo về Bộ chỉ huy tiền phương. Bộ chỉ huy cho bắn truyền 3 phát súng chỉ thiên qua các cung đường, thông báo trên toàn tuyến để bộ đội và TNXP phòng tránh. Những lần như vậy, chúng tôi báo trước trên toàn tuyến từ 5 đến 10 phút. Ngày nay, trong thời kỳ làm kinh tế và thời kỳ bùng nổ thông tin, thì 5 đến 10 phút đã rất quý vì làm ra khá nhiều sản phẩm. Nhưng trong chiến tranh, 5 đến 10 phút còn quý hơn nhiều vì nó liên quan tới sinh mạng của con người, của đồng đội và hàng hóa, cũng như vũ khí chuyển vào Nam qua tuyến đường lịch sử này.               

Năm nào chúng tôi cũng chỉ ở cao điểm 671 vào mùa khô, đến mùa mưa, do vận chuyển vào Nam ít và địch cũng ít đánh phá, chúng tôi lại rút ra, lúc ở Quảng Bình, khi thì Hà Tĩnh, Nghệ An…Cao điểm 671 nằm trên  đường hành quân của những binh đoàn bộ binh vào mặt trận phía Nam. Những lần đóng quân ở đây chúng tôi gặp những đồng đội còn rất trẻ, vai ba lô cùng súng đạn. Họ phăm phăm vào chiến trường. Tất cả những đồng đội ấy, cho đến giờ, chúng tôi chưa một lần gặp lại...

Tiểu đoàn Nhiễu

 Do yêu cầu của nhiệm vụ, đầu năm 1970 đơn vị được bổ sung thêm thiết bị trinh sát điện tử đó là 4 ra đa POCT-2M và POCT-3M. Chúng tôi gọi đó là máy nặng vì toàn bộ thiết bị đều được lắp ráp cố định trên ô tô. Do có loại máy này mà chúng tôi có được âm thanh: rắc…rắc…rắc... làm dữ liệu góp cho việc khẳng định có B52 vào đánh phá, nhờ đó mà sau này chúng tôi lập được chiến công. Cũng do đó mà đơn vị đông quân lên nhiều. Bộ tư lệnh Quân chủng đã quyết định thành lập Tiểu đoàn Nhiễu, với phiên hiệu Tiểu đoàn 8. Tiểu đoàn 8 có 3 đại đội: Đại đội 27 đóng quân ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, Đại đội 3 như một mũi nhọn cứ mùa khô lại vào sâu phục vụ Đoàn 559 ở Trường Sơn hùng vĩ. Khi ở km54, khi lại vào km73 Đường 20, có khi vượt qua biên giới sang Lào. Đại đội 52 đóng quân tại đồi Thiên Văn Phù Liễn - Kiến An - Hải Phòng. Toàn bộ số chiến sĩ nữ đều ở đây và được chia làm 2 tiểu đội.

3 tháng thành cơ công

Cũng đầu năm 1970, tôi được điều về Kiến An - Hải Phòng cùng: Nguyễn Duy Huấn (quê Đông Anh - Hà Nôi), Nguyễn Đình Hưng (quê Bình Định), Nguyễn Thị Quả (quê Sơn Tây), tập trung học cơ công (sửa chữa điện tử). Đại đội 52 lúc này vẫn ở lưng chừng đồi Phù Liễn. Các nữ chiến sĩ ngày đêm vượt hàng ngàn bậc dốc đi trực chiến trên đỉnh đồi Thiên văn. Mọi sinh hoạt ở đây đương nhiên hơn hẳn chúng tôi ở vùng trong. Duy có nước sinh hoạt là chúng tôi phải hàng ngày gánh chuyên độ qua hàng trăm mét từ chân đồi về dùng. Gánh nước leo dốc mệt là vậy, nhưng cứ nghỉ chờ chuyên độ là nữ đồng đội tôi lại hát. Chúng tôi không thể không hát cùng. Cứ vậy mà chúng tôi vượt qua cái khó trong sinh hoạt này. Cũng có lần nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Chín, người ít tuổi nhất trong 16 chiến sĩ gái, gánh nước gần đến nhà thì vấp ngã, hai thùng nước văng ra xa, nước đổ hết. Quần áo bê bết bẩn. Chín khóc tức tưởi, không phải vì đau mà vì tiếc nước, tiếc công của bao người đã vượt qua một chặng dốc dài.

Nhóm chúng tôi gọi là học cơ công cho oai, chứ thực chất do yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ, học chỉ vỏn vẹn trong vòng ba tháng, thì làm sao đã nắm được nghiệp vụ. Nhưng bằng cố gắng của mỗi học trò, bằng tài năng của đồng đội - thày giáo chúng tôi: Vũ Văn Lạc (quê Tiên sơn - Bắc Ninh ), chúng tôi cũng trở thành những cơ công đại đội. Với tôi, Vũ Văn Lạc không chỉ là một người bạn thân thiết như anh Nguyễn Đăng Cung, anh Nguyễn Duy Huấn, anh Nguyễn Văn Xuyến, anh Phùng Quang Phùng… mà còn là một người thày, một cơ công giỏi của đơn vị. Để có được sơ đồ mạch điện chi tiết của một số máy, mà chuyên gia Liên Xô không cung cấp, anh mở toàn bộ các khối máy, ngồi hàng ngày đo đạc, rồi vẽ chính xác các mạch điện, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa khi cần. Một con người tài hoa, anh có mặt trong nhiều công tác của đơn vị, là chiến sĩ được kết nạp Đảng sớm nhất đơn vị. Anh đã qua đời mấy năm nay bởi một căn bệnh hiểm nghèo.

 Nhờ vào việc học này mà khi trở lại chiến trường vào cuối năm 1970, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong bộ phận cơ động gọi là bộ phận B5. Bằng con đường 14 tan hoang bởi bom đạn cày xới, chúng tôi vào sâu phía trong phục vụ Bộ tư lệnh 559. Sau này chúng tôi mới biết đó là miền Tây Nam Quảng Trị, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào. Chúng tôi đóng quân ngay bên bờ suối với bạt ngàn tre nứa trong những căn lán tự tạo nửa chìm, nửa nổi và chiếc hầm chữ A khá vững chắc. Chỉ huy sở cũng nửa chìm, nửa nổi trên đỉnh đồi cao. Chúng tôi đi trực chiến qua gần ngàn bậc dốc thẳng đứng. Vì ở hậu cứ của Đoàn 559 nên mọi sinh hoạt khá đầy đủ. Duy chỉ có thiếu rau tươi. Chúng tôi băng rừng đến nơi cách đơn vị hàng chục cây số tìm đất trồng rau. Để bón cho rau, không có cách nào khác là phải chặt những ống bương để quanh nhà hứng nước tiểu. Và chúng tôi dù đi đâu xa cũng phải về nhà mới được xả. Cứ một tuần chúng tôi lại gánh những ống bương ấy đi bón cho rau. Hình ảnh những người lính gánh những ống bương nước tiểu đi bón rau giữa thời trận mạc vẫn còn mãi trong tôi. Chúng tôi có rau xanh giữa chiến trường, góp phần đảm bảo sức khỏe cho bộ đội.

Tại đây chiếc D1K, chiếc máy chủ lực của chúng tôi bị trục trặc kỹ thuật, làm mất đi những định hướng của ta khi máy bay địch vào đánh phá. (Trong các thiết bị gọi là máy nhẹ, chỉ có D1K mới làm đựơc việc đo phương vị, vì nó có ăng-ten quay và điều chỉnh được). Sau 3 ngày mày mò, tôi đã khắc phục được trục trặc đó, tiếp tục thu tín hiệu, thông báo chính xác thời điểm và hướng xuất hiện của máy bay B52 vào đánh phá các trọng điểm cho BTL 559. Ba đồng môn của tôi mỗi người ở một đơn vị, một chiến trường, họ đều mang vốn kiến thức ít ỏi ấy mà hoàn thành nhiệm vụ. Hôm nay viết những dòng này, kể lại việc này, xin được coi đó như một nén tâm hương dâng lên hương hồn của đồng đội - thày giáo của chúng tôi: Vũ Văn Lạc, gửi về nơi anh an nghỉ cuối cùng. Và cũng là để nhớ lại những kỷ niệm về đồng đội, về thày trò chúng tôi qua ba tháng mà chúng tôi thành cơ công đại đội, nhờ đó mà góp phần làm nên chiến công của đơn vị.

Trong suốt những năm cơ động đóng quân ở Miền Trung từ năm 1969 đến hết năm 1972, ngoài thu và khẳng định những tín hiệu của B52, chúng tôi còn thu được rất nhiều tín hiệu nhiễu từ hạm tàu, từ các máy bay trinh sát của Mỹ. Chúng tôi đã phân tích được đâu là nhiễu khi địch pháo kích, đâu là nhiễu khi có máy bay không người lái vào, báo cho chỉ huy tiền phương bố trí đánh máy bay không người lái, và phòng chống pháo kích từ hạm tàu vào.          

Vang dội chiến công

Cuối năm 1971, một lần nữa chúng tôi lại về với Quảng Bình. Nhưng lần này thì đóng quân tại Thanh Thủy - Lệ Thủy. Trong một vùng chỉ có cát trắng và phi lao, nhân dân rất nghèo. Họ ở trong những căn nhà nhỏ, thấp. Nhưng bà con ở đây vẫn nhường cho chúng tôi những chỗ nằm thuận lợi nhất. Thóc gạo thì không nhiều, nhưng khoai lang thì sẵn có. Nhiều đêm chúng tôi quây quần bên nồi khoai nóng hổi mà chuyện trò. Để tăng cường mối đoàn kết quân dân, chúng tôi tổ chức đi cấy cùng Đoàn Thanh niên ở đây. Trai tráng ở đây ra mặt trận hết, chỉ còn lại những cô gái ở tuổi đang xoan, lo toan việc nhà, việc đồng. Nhưng hình như họ sống trên vùng cát trắng nên o nào cũng trắng trẻo, xinh xắn. Có chiến sĩ đã muốn làm rể ở đây. Lúa chưa được thu hoạch thì chúng tôi đã chuyển quân ra Quảng Trạch, để lại trong ký ức bao kỷ niệm về tình quân dân, tình đồng đội.

Đầu năm 1972, đơn vị chúng tôi thuộc Trung đoàn 290 - Sư đoàn Ra Đa 373, đóng quân ở miền Tây Quảng Bình. Trong 81 ngày đêm chiến trận tại Quảng Trị, đơn vị chúng tôi đã báo kịp thời khi B52 vào đánh phá, tạo thời cơ cho bộ đội chiến đấu và phòng tránh. Nhờ đó mà đại đội chúng tôi với phiên hiệu Đại đội 3 được Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3 ngay những ngày đang diễn ra chiến trận tại Quảng Trị.

Trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, vẫn từ Miền Tây Quảng Bình, chúng tôi lại báo trước mấy ngày về Bộ Tư lệnh tại Hà Nội: Có khả năng địch đánh bằng B52 vào Miền Bắc. Ngay trận đầu tiên B52 đánh Hà Nội, đơn vị tôi đã báo về Hà Nội sớm mươi phút, giúp cho phòng tránh và cho sẵn sàng đánh địch của quân và dân Miền Bắc, góp phần làm nên chiến thắng từ trận đánh đầu tiên với B52 của địch. Đầu giờ tối của kíp trực do Đại đội phó Nguyễn Hồng Tuấn chỉ huy ngày 18/12/1972 đã sôi lên những tín hiệu của B52 cực mạnh. Cả kíp trực tập trung phân tích tín hiệu và đều khẳng định B52 đánh Hà Nội. Đại đội phó Nguyễn Hồng Tuấn báo cáo về Hà Nội với một quyết đoán: “B52 đánh Hà Nội”. Với thành tích này, ngay khi tiếng súng còn chưa ngơi, lại một lần nữa, Đại đội 3 được Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất. Đại đội phó Nguyễn Hồng Tuấn  được tặng huân chương chiến công hạng ba.

Vừa chấm dứt 12 ngày đêm, ngày hôm sau 30/12/1972, chúng tôi được lệnh hành quân ra Kiến An - Hải Phòng, sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới. Từ Quảng Bình ra đến Đuôi Cá - Ngã Tư Vọng đã hơn 9 giờ đêm 1/1/1973, cả đơn vị dừng lại ăn uống qua loa rồi người ở trên xe, người chui dưới gầm xe, mặc gió rét cứ lăn ra mà ngủ. Sáng hôm sau hành quân tiếp về Kiến An. Thật may mắn Hiệp định Pa-ri được ký kết, ngừng chiến tranh phá hoại trên toàn Miền Bắc. Chúng tôi reo hò mừng chiến thắng.

Suốt những năm sau đó, đơn vị chúng tôi sáp nhập với nhiều đơn vị, bộ phận khác, rồi tuyển tân binh… Đơn vị ngày càng lớn mạnh, đó là điều đáng phấn khởi và tự hào. Thời gian này phiên hiệu Tiểu đoàn 8 không còn nữa. Tiểu đoàn 127 được thành lập. Tôi và một số anh em được điều về làm trợ lý tác chiến của tiểu đoàn bộ, đóng tại sân bay Bạch Mai. Chúng tôi tham mưu, giúp việc cho Tiểu đoàn điều hành các đại đội trực chiến và huấn luyện, tiếp tục hướng vào giải phóng Miền Nam.

Cũng tại đây, sau 30/04/1975, những người lính gắn bó với Đội Nhiễu suốt chiều dài chiến tranh lần lượt xuất ngũ về quê hương, hay chuyển nghành về các cơ quan, xí nghiệp. Trong số những chiến sĩ đầu tiên của Đội Nhiễu, có lẽ tôi là người cuối cùng rời đơn vị vào tháng 3/1976 về với Quảng Ninh. Đơn vị có 2 người Quảng Ninh, chỉ còn lại mình tôi cho đến tận bây giờ.

 Như thế đấy! Đội Nhiễu - Tiểu Đoàn Nhiễu của chúng tôi, luôn thầm lặng như nhiều đơn vị khác trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Với chúng tôi mọi trận đánh đều không tiếng súng, đó là mặt trận Tác chiến Điện tử. Nhưng từ sự thầm lặng ấy mà họ đã góp những chiến công quan trọng, không kém phần hiển hách vào sự nghiệp đánh thắng Đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng chính những chiến công thầm lặng ấy, vào những năm 70, ngay từ khi còn chiến tranh ác liệt, đơn vị đã góp phần xây dựng nên AHLLVTND Phan Thu. Sau ông trở thành Trung Tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quân Đội nhân dân Việt Nam. Cũng từ những chiến công ấy mà mới đây, tháng 12 năm 2014, Đại đội 3 Nhiễu được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị AHLLVTND. Chúng tôi thông tin cho đồng đội ở mọi miền quê về Hà Nội, đón nhận danh hiệu trong niềm vui, niềm vinh dự và tự hào của những người “LÍNH NHIỄU”.

Trong mặt trận thầm lặng ấy, những kỷ niệm về tình quân dân, tình đồng đội, đồng chí của chúng tôi cũng không kém phần đậm đà, thân thiết. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn sát cánh bên nhau, động viên nhau vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

“Bạn chiến đấu cũ còn hai người cũng vẫn họp!”

Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, sau thời gian cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc, giống như những người lính trong toàn quân, những người lính của Đội Nhiễu rồi Tiểu đoàn Nhiễu ngày xưa đã trở về với đời thường trên khắp mọi miền quê của Đất nước. Có người gặp may mắn, thành đạt trên bước đường học tập, công tác hay phát triển kinh tế. Nhưng cũng không ít đồng đội của chúng tôi trở về lam lũ cùng con trâu, cái cày, với hạt thóc, củ khoai. Mặc dù trong chiến tranh họ mang tên “Lính Nhiễu”, nhưng về với đời thường, cho đến những ngày hôm nay, dù ở quê hương nào, ở bất cứ công việc nào, với bản chất của người lính Cụ Hồ, đã đi qua chiến tranh, họ vẫn làm tốt phần việc của mình, mà không hề “nhiễu”, góp phần dựng xây lại đất nước, quê hương, kiến thiết gia đình và nuôi dạy con cháu.

Xin được cảm ơn sáng kiến của thủ trưởng (người Đội trưởng đầu tiên - duy nhất của Đội Nhiễu): Trung tướng Phan Thu - AHLLVTND, của Đại tá La Văn Sàng cùng các anh Nguyễn Đăng Cung, Nguyễn Ngọc Lương, Lưu Công Hưng và các anh khác, đã tạo điều kiện để những bạn chiến đấu cũ - những đồng đội đã một thời sát cánh bên nhau trong chiến hào“NHIỄU” về tụ họp từ 10/01/1998.

Tính đến 2016, chúng tôi đã có 18 lần về tụ họp tại Hà Nội. Những lần đầu, bao giờ cũng thế, hội nào cũng thế, thật háo hức, thật đông vui. Những đồng đội từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hà Nội rồi Thành phố Hồ Chí Minh... về tụ họp. Những giọt nước mắt đã rơi sau bao năm mới gặp lại. Những câu chuyện đời lính lại được ôn lại, như vừa mới hôm qua, hôm kia thôi… Mấy lần Thượng tướng Phùng Thế Tài, người mà vào năm 1967, với cương vị Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, ông đã ký quyết định thành lập Đội Nhiễu cũng về dự họp mặt. Niềm vui được nhân lên gấp bội. Nhưng những lần họp mặt gần đây đã thưa vắng nhiều. Có người vì công việc gia đình, có những người vẫn còn bận mưu sinh mà không đến họp mặt. Nhưng cũng không ít những đồng đội vì tuổi đã cao, sức yếu, và có cả những người không bao giờ đến được nữa, họ đã về nơi cát bụi. Như anh Lưu Công Hưng, anh Nguyễn Ngọc Lương, anh Nguyễn Văn Xuyến, anh Vũ Văn Lạc… Rồi cả như Thượng tướng Phùng Thế Tài, Cụ đã về với tiên tổ cách đây không lâu.

Vẫn còn những đồng đội của chúng tôi những ngày ấy, chưa một lần về họp mặt. Có thể các anh ở xa quá, hay không nhận được thông tin mà về. Sắp tới đây trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập Đội Nhiễu – Tiểu Đoàn Nhiễu vào tháng 01 năm 2017, sẽ còn gặp lại những ai?.

Thưa vắng cũng là lẽ thường tình theo quy luật của năm tháng. Tôi là người lính trẻ nhất trong số 34 đồng đội ban đầu cũng đã cận kề tuổi xưa nay hiếm, vậy còn nhiều đồng đội khác thì sao?. Có lẽ vì sự thưa vắng dần ấy, nhưng để khẳng định tình cảm của những người lính đã một thời sát cánh bên nhau trong chiến hào “NHIỄU”, mà trong lần họp mặt gần đây, thủ trưởng Phan Thu (đã vượt tuổi 85), thốt lên thành lời: “Bạn chiến đấu cũ còn hai người cũng vẫn họp”!.

Xin được cảm ơn một ý tưởng chân thành của người Đội Trưởng - Thủ Trưởng, người Anh cả của đơn vị chúng tôi!.

 

Uông Bí - Quảng Ninh 13/11/2016

NGUYỄN XUÂN VINH

          Số nhà 26, ngõ 126, Đường Lựng Xanh - Quang Trung - Uông Bí - Quảng Ninh.

          DĐ: 0912285205.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19513 Tổng lượt truy cập 94706679