Bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở TP Uông Bí

Di sản văn hóa là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP Uông Bí trong tương lai. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được thành phố đặc biệt quan tâm.

Tượng Phật cổ tìm thấy tại phường Phương Đông.

TP Uông Bí hiện có 31 di tích, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể với 6 loại hình gồm: 8 di sản tập quán xã hội, 6 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 di sản lễ hội truyền thống, 5 di sản ngữ văn dân gian, 7 di sản tri thức dân gian và 1 di sản tiếng nói, chữ viết.

Những năm gần đây, việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Uông Bí đã được cụ thể hoá với các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện rất đồng bộ toàn diện về văn hoá, con người Uông Bí với mục tiêu tổng quát, 18 chỉ tiêu cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó đã nêu những chỉ tiêu riêng và giải pháp để Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Uông Bí, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng.

Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích luôn được thành phố quan tâm, chú trọng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm triển khai; đã phối hợp lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hoá tiêu biểu quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử gửi trình UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới.

Thành phố luôn quan tâm đến việc bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số; tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế.

Ba chữ “Bão Phúc Nham” tại di tích Hang Son do vua Trần Hiến Tông cho khắc trong một lần du ngoạn vào tháng 9/1329.

Thành phố cũng chú trọng trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa, Uông Bí đã tiến hành tôn tạo, chống xuống cấp phần lớn các di tích lịch sử trên địa bàn; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật, cổ vật, di vật cổ; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu di tích; nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, phục hồi, nâng cấp kiến trúc, cảnh quan của một số thôn mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc trở thành những “bảo tàng sống”; nghiên cứu áp dụng hiệu quả cơ chế chính sách của cấp trên để hỗ trợ và khuyến khích hoạt động, phát triển các câu lạc bộ văn hóa dân gian.

TP Uông Bí cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập. Thành phố đã xây dựng website riêng về khu di tích Yên Tử, triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá khu di tích Yên Tử", số hóa 3D các không gian văn hóa, di tích và hiện vật ở Yên Tử, giúp du khách có thể dễ dàng tìm hiểu các không gian văn hóa, các hiện vật trên môi trường ảo trước khi tham quan.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách hành hương Yên Tử.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, TP Uông Bí cần hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh. Để phát triển du lịch tâm linh, TP Uông Bí tất yếu phải xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành (di sản và du lịch là chủ đạo) để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn có giá trị thương phẩm cao, bán được nhiều lần, cho nhiều người với giá trị cao. Hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh của Uông Bí là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, khu di tích này cũng chỉ là một trong 4 hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh để phát huy hết tiềm năng, tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Trong thời gian tới, TP Uông Bí cần phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Quảng Ninh rà soát, tổng kiểm kê di tích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, xây dựng hồ sơ khoa học về các di tích với sự tham gia của cả các chuyên gia thuộc lĩnh vực kiến trúc, lịch sử, khảo cổ, Hán Nôm… Trong đó, ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ những di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, như hệ thống di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đình Đền Công (thuộc khu di tích Lịch sử chiến thắng Bạch Đằng 1288); tiếp theo có thể sẽ là các di tích như Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Uông Bí 1965, Di tích tôn giáo, tín ngưỡng đã bị xuống cấp, hư hại (như đền Tứ Phủ, miếu Vọng, chùa Bí Trung ở phường Vàng Danh, đền Lăng ở phường Quang Trung) và các di  tích lịch sử cách mạng. 

Theo Phạm Học/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15777 Tổng lượt truy cập 94756875