Ý thức và trách nhiệm

Đa dạng sinh học có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại. Bởi vậy, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học là một trong 3 trọng tâm của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng vừa phê duyệt.

Đáng mừng là trong những năm qua, vấn đề bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều kết quả rất tích cực, từ chuyển biến nhận thức đến ý thức, trách nhiệm, hành động; từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người dân.

Nói đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái, điều đầu tiên chúng ta nhớ tới là Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bởi đây là khu vực có sự đa dạng cao các hệ sinh thái với nhiều kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo và hệ sinh thái hang động hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng- áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ... Vịnh Hạ Long đã thống kê được 2.949 loài động thực vật sống trên cạn và dưới nước. Trong đó, có 102 loài quý hiếm, 17 loài thực vật đặc hữu như: Cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, nhài Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long...

Rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui (Tiên Yên) đang sinh trưởng tốt một phần lớn là bởi nhận thức của người dân về vai trò của rừng ngập mặn được nâng lên.

Hiện nay, các dự án bảo tồn, phát triển san hô trên Vịnh Hạ Long do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì triển khai tại đảo Đầu Bê, hòn Cọc Chèo, khu vực đảo Cống Đỏ đang cho những kết quả tốt đẹp. San hô phục hồi tốt, để từ đó trở thành môi trường sống cho nhiều loài sinh vật khác. Tương tự, cọ Hạ Long đang được nhân giống thành công tại các đảo đá khu vực đảo Hang Trai, đảo Đầu Bê. Các loài bông mộc, lan hài và một số thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long cũng đang được nhân giống tại nhiều đảo đá trên vịnh. Chỉ tính trong năm 2020, 2021, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã trồng được gần 1.100 cây bông mộc trên các điểm tham quan của Vịnh Hạ Long. Tại khu vực cửa hang Đầu Gỗ, rừng ngập mặn với các loài sú, vẹt, mắm đang sinh trưởng rất tốt.

Tại khu vực miền Đông, rừng ngập mặn Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar. Đáng chú ý, từ năm 1997, Quảng Ninh đã trồng thử nghiệm thành công cây dừa nước tại Điền Công (TP Uông Bí) vốn được lấy giống từ tỉnh Bến Tre. Tới nay, loài cây này đã được nhân giống trồng tại khu vực đê Hà An, đê Hà Nam (TX Quảng Yên) và một số khu vực miền Đông tỉnh. Không chỉ có tác dụng chắn sóng, dừa nước còn tạo môi trường sinh thái cho nhiều loài sinh vật khác cư trú và phát triển.

Tại các khu vực khác của Quảng Ninh, những khu bảo tồn như Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Vườn quốc gia Bái Tử Long, đảo Ba Mùn, Rừng quốc gia Yên Tử cũng đang được quản lý, bảo tồn tốt. Nhiều loài sinh vật đã và đang sinh trưởng tốt, trong đó có nhiều loài tưởng như biến mất thì nay đã xuất hiện trở lại. Cùng với đó, chủ trương trồng rừng gỗ lớn, phủ xanh các đồi núi trọc, quản lý rừng đầu nguồn, quản lý nguồn nước, nguồn nước thải, rác thải được chặt chẽ đã là tiền đề cho công tác bảo tồn, gìn giữ các hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại nhiều khu vực trên bờ, ven biển, cửa sông, khu vực gần bờ và ngoài đại dương.

Có được những kết quả ấy, ngoài rất nhiều các yếu tố như quy hoạch, quản lý quy hoạch, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội... thì quan trọng nhất là chuyển biến nhận thức về vai trò của môi trường sống, của hệ sinh thái, đa dạng sinh học đối với sự phát triển bền vững đã không ngừng nâng lên của các cấp chính quyền, đến doanh nghiệp người dân.

Theo Đại Dương/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 119643 Tổng lượt truy cập 89328119