Xử lý xe quá tải trọng: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng

3 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt gần 500 phương tiện vận chuyển hàng hoá quá tải trọng, cơi nới thành thùng, phạt trên 1 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt song một bộ phận không nhỏ người dân và các doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm về tải trọng dẫn đến tàn phá hạ tầng giao thông và mất ATGT.

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã cùng cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh) kiểm tra các phương tiện vận tải vật liệu phục vụ cho một số dự án lưu thông trên Quốc lộ 18 đoạn đi qua địa bàn TP Uông Bí. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các phương tiện vận chuyển đất, đá lưu thông qua đây đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng.

Cán bộ đội CSGT số 1 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra phương tiện có dấu hiệu cơi nới thành thùng lưu thông trên QL18 đoạn đi qua địa bàn TP Uông Bí.

Tất cả các phương tiện này đều bị lực lượng CSGT dừng kiểm tra theo đúng quy định. Tuy nhiên, các lái xe khi bị kiểm tra giấy phép lưu hành đều đưa ra lý do chỉ là lái xe thuê và giấy tờ bị chủ giữ phải liên lạc để cho người mang đến và đóng cửa xe bỏ đi. Nhiều lái xe còn bất hợp tác bằng việc làm cho xe chết máy không thể lưu thông được nữa để gây khó khăn cho lực lượng CSGT thực thi công vụ.

Đại uý Trịnh Quốc Thái, cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: “Nhiều lái xe khi bị kiểm tra đều bất hợp tác bằng nhiều lý do khác nhau nhằm câu giờ để cho lực lượng chức năng mệt mỏi mất kiên nhẫn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý tới cùng đối với các trường hợp vi phạm. Nếu lái xe nào bỏ đi hoặc cố tình chống đối chúng tôi sẽ tiến hành ghi hình để có thể gửi cho cơ quan đăng kiểm hoặc xử lý phạt nguội đối với những xe có dấu hiệu cơi nới thành thùng…”.

Bên cạnh các phương tiện chống đối trong quá trình xử lý thì nhiều lái xe khi phát hiện được lực lượng chức năng đã dừng lưu thông cho đến khi lực lượng chức năng dời đi thì tiếp tục chạy nên rất khó xử lý. Cùng với đó nhiều lái xe khi thấy lực lượng chốt xử lý xe quá tải trọng thì quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm cho người và các phương tiện khác lưu thông trên đường.

Để tăng cường công tác xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tải trọng, cơi nới thành thùng, lực lượng CSGT cũng phối hợp chặt chẽ với TTGT, Trạm kiểm tra tải trọng của Sở GT-VT lập chốt trạm trên các tuyến đường tỉnh lộ và quốc lộ. Qua công tác phối hợp việc xử lý xe quá tải trọng cũng đã bước đầu phát huy được tác dụng trong việc ngăn chặn xe vi phạm trên các tuyến đường. Tuy nhiên, công tác phối hợp cũng còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn trải dài, lực lượng chức năng mỏng, nên diễn ra tình trạng khi lập chốt, trạm xử lý tại điểm này thì các phương tiện lại chạy chỗ khác…

Cùng với đó, Sở GT-VT cũng đã yêu cầu Trạm kiểm tra tải trọng phải thường xuyên di chuyển luân phiên tại các địa phương nhằm khép kín địa bàn, không để lọt phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, Trạm kiểm tra tải trọng cũng phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương để kiểm soát phương tiện vận tải ngay từ đầu nguồn bốc xúc, kiên quyết không cho xe vi phạm lưu thông trên các tuyến giao thông.

Theo lãnh đạo Trạm kiểm soát tải trọng, đơn vị tăng cường công tác xử lý vi phạm về tải trọng trên tất cả các tuyến giao thông với mục tiêu ngăn chặn phương tiện tàn phá hạ tầng giao thông cũng như gây mất ATGT. Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp khó khăn do chủ phương tiện không hợp tác, lái xe chống đối… chính vì vậy việc lập biên bản xử phạt đối với 1 phương tiện mất rất nhiều thời gian. Nhiều khi đến một địa điểm lập chốt, xe nghỉ chạy, nhưng chỉ cần dời đi là lại lưu thông rất nhiều. Do vậy, công tác phối hợp với các lực lượng khác cần phải chặt chẽ hơn.

Tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, mức xử phạt đối với xe chở quá tải trọng đã nâng cao rất nhiều và được chia làm 3 mức gồm: quá tải 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là từ 4 - 6 triệu đồng, 13 - 15 triệu đồng và 40 - 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 - 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 - 150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.

Quảng Ninh là một trong những địa phương trên toàn quốc luôn đi đầu về việc xử lý phương tiện vận chuyển hàng hoá quá tải trọng và được Uỷ ban ATGT quốc gia đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để việc ngăn chặn xử lý xe chở hàng hoá quá tải trọng hiệu quả hơn thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Có như thế việc ngăn chặn xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường mới hiệu quả.

Theo Hiểu Trân/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18144 Tổng lượt truy cập 91097867