Văn minh lễ hội

Trong chương trình thời sự tối 14/2, Đài truyền hình Việt Nam có phản ánh về tình trạng phản cảm đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, nạn người ăn xin bủa vây du khách tại Phủ Dầy, tỉnh Nam Định. Những vấn nạn này diễn ra ở khắp các ngả đường trong di tích này, khiến nhiều khách hành hương không khỏi phiền lòng.

Có lẽ, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp đầu xuân khi nhiều lễ hội tưng bừng khai hội thì đây cũng là lúc công tác quản lý, tổ chức lễ hội được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo về công tác này. Trong đó tuyệt đối không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển. Đặc biệt, không để xảy ra những hiện tượng phản cảm đổi tiền lẻ, ăn xin, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; không đốt vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích...

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, đền, chùa gắn với trên 70 lễ hội lớn, nhỏ có lịch sử lâu đời như: Yên Tử, Ngọa Vân, Cửa Ông, Tiên Công, Trần Quốc Nghiễn…, Quảng Ninh xác định công tác quản lý, tổ chức lễ hội phải được đặc biệt quan tâm, qua đó tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng cho người dân và du khách khi đến tham quan, vãng cảnh, chiêm bái. Quảng Ninh đã xây dựng và yêu cầu các địa phương, đơn vị, cơ sở thờ tự, di tích, đền, chùa thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Trong đó quy định rõ về trang phục phù hợp với thuần phong mỹ tục; ứng xử có văn hoá; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường trong không gian lễ hội, bỏ rác vào nơi quy định; không có tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, không đốt đồ mã; niêm yết giá các dịch vụ phục vụ khách, bán đúng giá niêm yết; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo du khách; loại bỏ việc đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, vấn nạn ăn mày, ăn xin; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, nơi đặt tiền giọt dầu; không ném tiền bừa bãi, gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích…

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Quảng Ninh đã tạo được sức lan tỏa lớn. Ở tất cả các lễ hội trên địa bàn đều thực hiện nghiêm theo quy định của tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó nhiều điểm di tích, đền, chùa còn có các việc làm, hoạt động đẹp để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Đơn cử như chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), Ba Vàng (TP Uông Bí) có dịch vụ gửi xe, phục vụ cơm chay miễn phí; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) luôn có nhân viên trực, quan sát, nhắc nhở du khách không được mặc trang phục chưa phù hợp vào đền, đồng thời cho mượn miễn phí trang phục phù hợp để đảm bảo tính tôn nghiêm ở chốn tâm linh. Những hoạt động, việc làm trên đã mang lại “tiếng lành” cho các lễ hội của Quảng Ninh.

Du xuân là để cầu sức khỏe, cầu phúc, bình an, mong một năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, giúp mỗi chúng ta hướng về lòng thiện tâm, làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Và để sự tâm linh đó không bị làm phiền thì mỗi địa phương, đơn vị, cơ sở tôn giáo cần vào cuộc tích cực, quyết liệt trong thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, loại bỏ những điều gây phiền hà, phản cảm cho du khách.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14992 Tổng lượt truy cập 91388335