Uông Bí quyết liệt chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh"

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, từ một thị xã đổ nát trong chiến tranh, nay TP Uông Bí (Quảng Ninh) đang phát triển năng động, là trung tâm công nghiệp than-điện, giáo dục, y tế, du lịch, có số thu ngân sách đứng trong tốp đầu của tỉnh. "Để bứt phá, Uông Bí phải dựa vào sức mạnh từ tất cả các nguồn lực, mà trong đó du lịch là mũi nhọn", ông Phạm Tuấn Đạt, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP Uông Bí chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Ông Phạm Tuấn Đạt.

Phóng viên (PV): Thưa ông, du lịch, văn hóa đã có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của TP Uông Bí thời gian qua?

Ông Phạm Tuấn Đạt: TP Uông Bí nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ninh, là đô thị loại II, được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu thế phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái (DLST), văn hóa tâm linh, với 29 di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng, trong đó hai di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt. Ngoài Khu di tích danh thắng Yên Tử-được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, với những giá trị về văn hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên vô giá, trung tâm Phật giáo của cả nước, Uông Bí còn có nhiều tiềm năng phát triển DLST, nghỉ dưỡng như: Điểm DLST thác Lựng Xanh, hồ Yên Trung, đình Đền Công và miếu Cổ Linh... Song song với đó là hệ thống sông ngòi, hồ đầm bao quanh với các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có thể khai thác trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc.

Với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", thời gian qua, TP Uông Bí từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch; cơ sở hạ tầng về đô thị, thiết chế văn hóa, cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú phục vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí từng bước được đầu tư tương đối hiện đại, tiện ích. Những công trình hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới liên tục xuất hiện ở Uông Bí. Trong đó phải kể đến những thay đổi lớn ở Khu di tích danh thắng Yên Tử khi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng du lịch đặc sắc, có thể tiếp đón hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm.

Không phải mùa du lịch cao điểm nhưng vẫn có khá đông khách nước ngoài tới Yên Tử. Ảnh: HOA HUYỀN.

Việc thành phố quyết liệt triển khai tái cấu trúc cơ cấu kinh tế đã đẩy tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch, dịch vụ tăng dần đều qua các năm. Hiện nay, du khách đến với Uông Bí không chỉ tập trung vào mùa lễ hội, mà được trải đều các mùa trong năm. Tính từ năm 2015 đến tháng 6-2019, thành phố đón hơn 11 triệu lượt khách, trong đó, khách đến tham quan Yên Tử đạt hơn 6,5 triệu lượt, khách quốc tế đạt 810.637 lượt.

PV: TP Uông Bí đã và sẽ làm gì để thu hút du khách, phát huy tốt những tiềm năng sẵn có?

Ông Phạm Tuấn Đạt: Xác định môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để du lịch phát triển, thời gian qua, TP Uông Bí đã vào cuộc quyết liệt trong xử lý các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao như than, điện, xi măng… Cùng với đó, để tạo điểm nhấn đô thị, thành phố tập trung xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, phát động trồng 1 triệu cây hoa giấy, vẽ tranh tường tại các điểm công cộng, sử dụng xe chuyên dụng quét, hút bụi để vệ sinh các tuyến đường giao thông… Đến thời điểm này, Uông Bí đã có hàng chục "cung đường hoa giấy" cùng hệ thống đường thông, hè thoáng, sạch, đẹp...

Uông Bí đang tập trung mọi nguồn lực để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới. Các điểm thắng cảnh cùng hàng chục công trình quanh thành phố đã và đang được đầu tư, xây dựng, dần hoàn thiện. Ngoài ra, thành phố tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều kênh, như: Các trang thông tin điện tử của thành phố; tổ chức đoàn khảo sát du lịch (famtrip) của các công ty lữ hành; qua kênh báo chí... để quảng bá cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp của đất và người Uông Bí. Phát triển du lịch thông minh, thành phố cũng kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù, như: Du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học; du lịch kết hợp với đào tạo; du lịch kết hợp với huấn luyện thể thao; du lịch tham quan, sinh thái kết hợp với thể thao mạo hiểm, với làng nghề, với tâm linh… ưu tiên các dự án phục vụ vui chơi giải trí cho du khách về đêm và mùa lễ hội để thu hút khách lưu trú lâu hơn.

PV: Vừa phát triển và vừa giữ gìn những giá trị truyền thống luôn là bài toán không dễ dàng. TP Uông Bí đã giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Đạt: Hiện phát triển du lịch ở đây vẫn còn mang tính mùa vụ. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo TP Uông Bí và các đơn vị chức năng đã phối hợp đa dạng hóa sản phẩm thu hút khách được tốt nhất. Ví dụ danh thắng Yên Tử, hàng triệu du khách tới đây chỉ tập trung vào mùa lễ hội sau Tết Nguyên đán. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cùng với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (đơn vị đầu tư, khai thác khu dịch vụ Yên Tử) đã đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bằng chính tiềm năng thế mạnh của địa phương: Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Yên Tử, như: Học sử trên đỉnh non thiêng, hành hương theo dấu chân Phật hoàng, du lịch trải nghiệm thiền tại chùa Hoa Yên, chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc nhà Trần... trải nghiệm sinh thái dưới chân Yên Tử, cánh đồng hoa, sản xuất cây thuốc nam, làng văn hóa dân tộc Dao, xây dựng mô hình phiên chợ bày bán các sản vật địa phương, tạo ra sự thích thú cho du khách...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo NGUYỄN HÒA (Thực hiện)/www.qdnd.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3644 Tổng lượt truy cập 91138500