Uông Bí: Đưa OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng

Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, TP Uông Bí đã có 19 sản phẩm OCOP của 9 tổ chức kinh tế sản xuất với tổng doanh thu từ các sản phẩm đạt 148,6 tỷ đồng. Chương trình OCOP đang dần trở thành chương trình kinh tế quan trọng của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản phẩm dầu thực vật của cơ sở ép dầu lạc Hải Yến, phường Quang Trung, TP Uông Bí, được tiêu thụ mạnh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V, năm 2017.

Phát huy những kết quả trên, trong giai đoạn 2017-2020, thành phố tập trung phát triển Chương trình OCOP theo hướng xây dựng nhãn hiệu OCOP trở thành thương hiệu mạnh trên phạm vi toàn tỉnh và từng bước tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trong nước.

Ngay từ khi bắt tay thực hiện Chương trình OCOP, TP Uông Bí đã xác định vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn ở giai đoạn đầu của chương trình là rất quan trọng. Do đó, thành phố đã kiện toàn Ban Điều hành OCOP, bố trí cán bộ thường trực theo dõi, chỉ đạo sát sao chương trình. Nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm, thành phố đã tích cực triển khai các chính sách, như: Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ lãi suất tín dụng thương mại...

Chỉ tính riêng năm 2016, TP Uông Bí đã bố trí nguồn vốn 15 tỷ đồng hỗ trợ các sản phẩm OCOP địa phương. Cùng với đó, thành phố đã triển khai Đề án Phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Uông Bí sẽ có 7 vùng sản xuất nông sản tập trung là vải chín sớm Phương Nam, thanh long ruột đỏ, mai vàng Yên Tử, thông nhựa, mơ lông Yên Tử, rau an toàn và nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao. Đây là một trong những đề án quan trọng góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ người dân kịp thời trong phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên khảo sát thực trạng sản xuất nông sản có tiềm năng để đăng ký vào chương trình.

5ha thanh long ruột đỏ trồng theo công nghệ giàn Đài Loan của gia đình ông Nguyễn Tôn Quyền, khu 4, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí.

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, hiện đại hoá trang thiết bị, nâng cao chất lượng, như: Xí nghiệp bia Thăng Long đầu tư trên 3 tỷ đồng cho công nghệ nấu rượu gạo truyền thống phục vụ sản xuất rượu ba kích, rượu mơ Yên Tử; ông Nguyễn Tôn Quyền, khu 4, phường Thanh Sơn đầu tư trồng 5ha thanh long ruột đỏ theo công nghệ Đài Loan; HTX Nông nghiệp Hương Việt áp dụng công nghệ tưới thấm nhỏ giọt của Israel để sản xuất rau an toàn... Nhờ vậy, đã hỗ trợ đắc lực cho việc hình thành các sản phẩm OCOP của thành phố. Nếu như năm 2014 Uông Bí chỉ có từ 3 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thì đến nay đã có 19 sản phẩm. Tất cả các sản phẩm đều không ngừng được nâng cao về chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hoá chủng loại. Một số sản phẩm đã đạt xếp hạng cao trong các kỳ thi phân hạng và đánh giá sản phẩm OCOP do Ban Điều hành Chương trình OCOP tỉnh tổ chức, như: Cao Thiên Đông, Cao Lạc tiên an thần, Rượu mơ Yên Tử...

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tạo chỗ đứng trên thị trường, thành phố còn tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của địa phương thường xuyên được trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị, hội chợ, hội thảo. Trong đó phải kể đến: Hội chợ OCOP Quảng Ninh, hội chợ đưa hàng về miền núi huyện Ba Chẽ; trưng bày phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh; trưng bày tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh; Hội chợ Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung...

Đặc biệt, đầu năm 2016, thành phố đã đưa vào hoạt động 2 Trung tâm OCOP tại số 540, đường Quang Trung, phường Quang Trung và Bến xe thuộc xã Thượng Yên Công. Đáng chú ý, thành phố còn quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP vào tại các điểm tham quan. Đây là cách làm sáng tạo góp phần quảng bá sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Qua đó, các sản phẩm OCOP Uông Bí đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường với sự tin tưởng lựa chọn mua sắm của người dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ riêng tổng doanh thu bán hàng của Uông Bí tại các Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017 đạt trên 300 triệu đồng.

TP Uông Bí đang triển khai giai đoạn 2 của chương trình. Trong đó, phấn đấu có sản phẩm nằm trong chuỗi sản phẩm chủ lực Quốc gia; có từ 6 sản phẩm trở lên trong chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, cấp huyện; mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm. Trên cơ sở đó, thành phố đã đặt ra lộ trình cho từng năm.

Cụ thể: Năm 2017 sẽ tập trung rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực. Năm 2018, TP Uông Bí tiến hành khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hỗ trợ cộng đồng hoàn thiện các thủ tục liên quan đến lưu hành sản phẩm. Năm 2019 sẽ xây dựng sàn hàng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm, ứng dụng CNTT trong quản lý dữ liệu và xây dựng mạng lưới thông tin thị trường sản phẩm; đào tạo kỹ năng quản trị cho lãnh đạo các tổ chức OCOP. Năm 2020 sẽ hoàn thiện việc xây dựng các sản phẩm có lợi thế của thành phố được sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 81174 Tổng lượt truy cập 89260980