Uông Bí - Điểm sáng trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố cùng sự cố gắng của đội ngũ cán bộ và các doanh nghiệp, TP Uông Bí đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Thanh long Uông Bí - thương hiệu riêng có của địa phương.

Ngay từ năm 2013, với sự vào cuộc tích cực của Ban điều hành OCOP thành phố, cũng như các phòng chuyên môn, chương trình OCOP đã được triển khai sâu rộng đến các xã, phường và đã có 9 tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP với 19 sản phẩm đã được đăng ký và xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng, nổi trội như: vải chín sớm Phương Nam, thanh long Uông Bí tinh dầu trầu tiên Yên Tử, Cao Thiên đông, dầu xoa bóp Long Thiên Huyết, nấm ăn các loại, rượu mơ và nước mơ muối Yên Tử, nấm linh chi Yên Tử, nấm lim Yên Tử…

Phần lớn các mô hình kinh tế này bước đầu phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất sản phẩm với dịch vụ OCOP. Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Với danh mục các sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn gắn với tên tuổi nhiều hợp tác xã, như HTX thảo dược Yên Tử, HTX vải chín sớm Phương Nam, HTX Hương Việt chuyên sản xuất tiêu thụ rau an toàn… Uông Bí đang tiếp tục tuyên truyền, vận động thành lập thêm các HTX kiểu mới gắn liền với phát triển sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên rà soát, khảo sát thực trạng sản xuất của các sản phẩm OCOP và các sản phẩm có tiềm năng để đăng ký vào chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên phương tiện thông tin truyền thông, trong đó, công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tập trung vào các dịp cao điểm như dịp lễ hội Hoa Anh đào, Hội xuân Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng, các hội chợ, hội nghị của thành phố và của tỉnh cũng như trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Người dân thu hoạch vải chín sớm Phương Nam.

Đặc biệt, đầu năm 2016, thành phố đã đưa vào hoạt động 2 Trung tâm OCOP tại  số 540, đường Quang Trung, phường Quang Trung và Bến xe qua đầu Yên Tử, xã Thượng Yên Công. Hiện 2 trung tâm này hoạt động tương đối tốt. Đơn cử như Trung tâm OCOP tại số 540, đường Quang Trung, phường Quang Trung, doanh thu của trung tâm đạt từ 200-300 triệu đồng/tháng và được đánh giá là trung tâm OCOP đạt hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Song song với đó, thành phố cũng đang tiếp tục tích cực hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các hộ nông dân; hỗ trợ kinh phí in ấn tem, nhãn mác, bao bì đựng sản phẩm; cải tạo các vùng đất hoang hóa; tìm kiếm các vùng nguyên liệu ở các địa phương khác phù hợp sản xuất sản phẩm; chủ động tìm kiếm các nguồn giống tốt.

Thành phố cũng gắn việc giới thiệu và bán sản phẩm vào các tour du lịch, các lễ hội của tỉnh và của địa phương. Các đơn vị, cơ sở sản xuất thì thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ, về hội nhập quốc tế cũng như tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác trong cả nước. Nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố sau khi được học tập kinh nghiệm và tham gia vào Hội chợ OCOP tỉnh thì đã nhận được đơn đặt hàng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, đại lý, nhà hàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có thể nói, việc TP Uông Bí đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP vào các tour du lịch, tại các lễ hội là cách làm mới, sáng tạo, từng bước đem lại kết quả tốt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như tạo sự lan toả sâu rộng tới người dân và du khách gần xa. Thông qua đó, từng bước mở ra hướng phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng tập trung, xây dựng thành chuỗi hàng hoá từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được độ tin cậy và uy tín đối với người tiêu dùng và thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.

Cao Thiên Đông - một sản phẩm đặc trưng được đăng ký thương hiệu OCOP.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, Uông Bí cũng vẫn gặp phải những bất cập riêng và cần sớm được khắc phục để chương trình OCOP có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất. Điển hình như 2 sản phẩm thanh long ruột đỏ và vải chín sớm Phương Nam chưa lần nào được tham gia hội chợ OCOP của tỉnh do không đúng vụ thu hoạch và đây là thiệt thòi rất lớn cho các đơn vị sản xuất trong việc giới thiệu và mở rộng thị trường. Hơn nữa, Uông Bí lại là địa phương có tỷ trọng nông nghiệp toàn thành phố thấp nên danh mục sản phẩm OCOP của địa phương chưa phong phú, diện tích nông nghiệp rải rác, sản phẩm thấp dẫn đến không hình thành được vùng nguyên liệu cung cấp cho sản phẩm…

Để khắc phục những trở ngại trên thì trong thời gian tới đây, TP Uông Bí sẽ tiếp tục khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ kinh phí, cũng như tạo mặt bằng “sạch” cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình, vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký nhãn mác, kiểu dáng bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có thương hiệu, quảng bá các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để nhân dân và du khách được biết tới các sản phẩm đặc trưng, mới lạ của địa phương khi đến đây tham quan và mua sắm.

Theo quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12782 Tổng lượt truy cập 91335077