Trường ngoài công lập chưa hết khó

TP Uông Bí hiện có 4 trường ngoài công lập, trong đó có 2 trường mầm non, 2 trường THPT. Các trường ngoài công lập được thành lập nhằm giảm tải cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các trường đang gặp phải nhiều khó khăn.

Tháng 8-2015, Công ty CP Công nghiệp Trường Phúc, đơn vị đầu tư vào ngành Giáo dục theo hình thức đối tác công - tư, đã đưa Trường Mầm non Hoa Mai Vàng (phường Quang Trung) vào hoạt động. Trường được xây dựng với quy mô trường chuẩn quốc gia mức độ 2, diện tích trên 4.000m2, gồm 8 lớp học, các phòng chức năng, khu vui chơi hoàn thiện... đáp ứng nhu cầu học tập của 250 học sinh. Đội ngũ giáo viên của Trường thường xuyên được nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc, rèn luyện cho học sinh. Hệ thống đồ chơi, dụng cụ học tập được đầu tư, thay mới... Vì vậy, Trường được đánh giá là một trong số các trường mầm non có chất lượng cao trên địa bàn. Số lượng học sinh tăng dần qua các năm từ 135 cháu năm 2015 đến nay là 218 cháu.

Giờ ăn trưa của các bé lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Hoa Mai Vàng.

Tuy nhiên, cũng giống như các trường mầm non ngoài công lập khác, Trường Mầm non Hoa Mai Vàng gặp không ít khó khăn về kinh phí. Ngoài việc phải thanh toán tiền thuê cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đã đầu tư, nhà trường phải tự cân đối chi trả các khoản: Tiền lương, trang bị đồ dùng học tập, đầu tư đồ chơi... Trong khi đó, nguồn thu chủ yếu của nhà trường là từ học phí của học sinh; nhưng hiện các lớp học của trường vẫn chưa lấp đầy học sinh, mức học phí không cao (1,1 triệu đồng/tháng). Đến thời điểm này, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà trường mới tạm đủ kinh phí đảm bảo trả lương, bảo hiểm xã hội, phụ cấp... cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, mà không phải bù lỗ như các năm trước. Hiện Trường tiếp cận vốn vay ngân hàng để nâng cấp trường rất khó khăn do toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, nên không có tài sản thế chấp.

Trường THPT Hồng Đức dù đã hoạt động 17 năm, song nhà trường thường xuyên thiếu học sinh. Năm học 2016-2017, Trường thiếu 30 học sinh so với chỉ tiêu đề ra. Năm học này, đến ngày 10-8, nhà trường mới nhận được 264/280 hồ sơ nhập học. Nguyên nhân là do ngoài các trường công lập trên địa bàn thành phố, còn có Trung tâm GDTX, Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng, Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc cũng thực hiện đào tạo bổ túc THPT. Thêm vào đó, một số học sinh khu vực phường Nam Khê đăng ký nhập học tại các trường THPT ở khu vực TX Quảng Yên. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục ngoài công lập khá trẻ, tính ổn định công tác thấp, đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh.

Việc tuyển sinh không đạt kế hoạch, vốn đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn đã khiến chất lượng giáo dục ở các trường ngoài công lập còn có những khoảng cách so với các trường công lập. Tình trạng trên khiến cho 17 năm hoạt động, Trường THPT Hồng Đức đã 3 lần chuyển nhượng, thay chủ đầu tư. Năm học 2017-2018 này, Trường THPT Hồng Đức được chuyển nhượng sang cho Công ty TNHH HTV Phú Sỹ. Điều này khiến không ít cán bộ, giáo viên nhà trường thiếu yên tâm công tác, chế độ không được đảm bảo...  

Những khó khăn của các Trường Hoa Mai Vàng và Hồng Đức nói trên là tình trạng chung của các trường ngoài công lập của Uông Bí và tỉnh hiện nay. Để tháo gỡ những khó khăn này, thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hoá giáo dục, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và địa phương, cần có sự chủ động của chính nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15706 Tổng lượt truy cập 91158460