"Trận tuyến thầm lặng" của Vũ Thế Hùng

Tôi cầm cuốn tiểu thuyết “Trận tuyến thầm lặng” của Vũ Thế Hùng (NXB Hội nhà văn ấn hành quý IV/2018) và ngạc nhiên khi anh dám dấn thân vào mặt trận phòng chống tội phạm.

Trang bìa tiểu thuyết.

Vũ Thế Hùng có một miền sáng tác gắn bó quen thuộc là con người và vùng đất Vùng mỏ. Do đó, nếu viết về tội phạm có lẽ đây đề tài không “thuận tay”. Mà tiểu thuyết không phải một tập mà là hai tập.

Tôi đọc một mạch hết hơn 200 trang sách (tập 1) của tiểu thuyết thấy Vũ Thế Hùng đã có một tinh thần lao động rất rốt ráo. Tiết tấu tiểu thuyết khá nhanh, hoạt, chia làm 14 chương có chủ đề rõ ràng. Câu chuyện mà tác giả muốn chuyển tới độc giả một thông điệp về những cán bộ, sĩ quan công an với những chiến công thầm lặng trong công việc phòng chống tội phạm. Đó là gia đình nhân vật sĩ quan công an có tên Lê Hoàn phải mang danh của kẻ tội phạm ma túy, của những mặt trái xã hội, vợ con bị hàng phố định kiến, dè bỉu. Bản thân cũng bị tù giam, rồi vượt ngục...

Trong chuỗi sự kiện chiến công của Lê Hoàn là những mảng sáng tối của cuộc sống mà khi lao vào nhiệm vụ người sĩ quan ấy không có cơ hội để phân định, né tránh đạo đức và hành động trước sự việc mà mình phải vào hang để bắt hùm. Dù có nhiều chiến công to lớn, phá những vụ trọng án mang tầm quốc gia, luôn có hàng trăm ngàn nguy hiểm đe dọa đến tính mạng bản thân và gia đình, nhưng nhờ sự thông minh, khôn khéo đã vượt qua để lập công với tổ chức nhưng bản thân và gia đình bé nhỏ của Lê Hoàn cũng gặp phải những bi kịch đời thường. Vợ anh đang yên ổn thì mang tiếng có chồng là công an trở thành tội phạm, các con anh cũng bị bạn bè khinh rẻ, rồi vợ anh chết vì bệnh nặng.

Sự thực con người anh với những công việc nguy hiểm luôn khiến anh phải sống trong vai của nhân vật khác, nhân thân khác, tên tuổi, công việc khác… Giữa những biến thiên của công việc ở nơi bình yên hay nguy hiểm, nhân vật Lê Hoàn chưa bao giờ có một giấc ngủ ngon đúng nghĩa. Cái ăn, cái ngủ của anh đều là cái sự ăn ngủ của công việc. Kết thúc tập 1, với những chiến công lớn, anh được tặng thưởng, được lên quân hàm, con cái trưởng thành, có cô con gái giỏi giang nối nghiệp bố. Rồi anh có được hạnh phúc với cô đồng nghiệp ở cùng mặt trận.

Tóm lại, câu chuyện mà tác giả Vũ Thế Hùng kể cho chúng ta với một cách kể khá nhanh, tốc độ của dòng văn học thời hậu hiện đại. Mô típ vẫn là kết thúc có hậu, việc đấu trí với tội phạm thì vẫn nghiêng phần thắng về nhân vật chính diện, mô tả về nhân vật phản diện vẫn lu mờ.

Dù nhân vật có thật hay từ tư liệu các vụ án, câu chuyện vụ án rất hay, nhiều chi tiết đánh án đặc biệt hay không cần nói thêm thì nó đã thuyết phục người đọc. Nhưng khi đưa vào tiểu thuyết thì đòi hỏi nhà văn phải nhập vai nhuyễn hơn mới hy vọng có thể chinh phục độc giả. Và vì thế, tác giả đã chỉ như người đứng ngoài cuộc, là người quan sát, mô tả lại các chi tiết vụ án và tác giả là người ghi ra giấy kể lại cho độc giả như đọc xong một bài báo, chứ chưa làm đúng vai trò của nhà văn người sáng tạo ra nhân vật, tạo ra nhân vật “đinh” của tiểu thuyết. Vì thế, tác giả đã không làm được việc là lược bỏ tư liệu để nhân vật do mình tạo nên thì lại cứ cố gắng chứng minh rằng, nhân vật ở đây là có thật, địa danh thật, tên thật, nên đã khiến độc giả như vấp phải hạt sạn khi đang nhai miếng cơm ngon.

Nếu anh tiếp tục công bố tập 2, thì anh cố gắng kiểm soát mạch câu chuyện để không bị rơi vào những lỗi đáng tiếc như đã kể ở trên. Tuy nhiên, theo tôi, tác giả là người không thuận tay với đề tài mới mẻ này nhưng đã cố gắng trình làng tập 1 cuốn tiểu thuyết “Trận tuyến thầm lặng” với một nỗ lực viết vượt qua khả năng tư duy sáng tạo quen thuộc của mình. Tôi nghĩ đó đã là một thành công.

Mong rằng, thời gian tới, tập 2 của cuốn tiểu thuyết này sẽ gây được sự chú ý của độc giả.

Theo Nhà văn Vũ Thảo Ngọc/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14404 Tổng lượt truy cập 91387275