Trải nghiệm đồi Phượng Hoàng mùa cỏ cháy…

Nghe dân du lịch “bụi” đồn và tung ảnh check in đồi cỏ cháy vàng mê người trên đỉnh Phượng Hoàng ở TP Uông Bí, dịp đầu năm nay, chúng tôi đã quyết định rủ nhau đi “đổi gió”. Cái tên đồi cỏ cháy nghe hoang sơ, còn cái tên đỉnh Phượng Hoàng thì tựa truyền thuyết lãng mạn, phiêu du ở đâu đó xa xôi vậy…

Khung cảnh nên thơ của đồi Phượng Hoàng (TP Uông Bí)

Từ trung tâm TP Uông Bí, chúng tôi đi theo địa phận phường Bắc Sơn rồi vào tuyến đường rừng sâu phía trong. Cung đường không quá xa nhưng không có biển chỉ dẫn, nhiều đoạn đường đang làm dở dang, nhiều đoạn chỉ là đường mòn gồ ghề, xóc lên xóc xuống cũng làm chúng tôi thấy hơi ghê người. Tuy vậy, lượng khách đổ về đây không ít. Xe ô tô, xe máy, trong đó có những nhóm du khách trẻ đi xe mô tô phân khối lớn, nai nịt gọn gàng nom rất “ngầu” cũng hướng về đây, chứng tỏ sức hút của điểm đến là không nhỏ.

Gần trưa, chúng tôi tới sát chân núi và theo tấm biển nhỏ đơn sơ ghi lối lên núi Phượng Hoàng (dường như có duy nhất một lối) của một nhà ven đường thì rẽ vào. Mảnh vườn trồng cây lúp xúp được tận dụng mặt bằng và san gạt qua loa để làm chỗ đỗ xe cho khách. Chúng tôi là những người đi muộn vì nhìn ra thấy đã có cả chục chiếc ô tô đỗ xung quanh trước rồi, còn xe máy để ở một bãi nhỏ có mặt bằng cao hơn.

Xe mô tô phân khối lớn là phương tiện di chuyển hữu ích được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khám phá cảnh đẹp nơi đây.

Từ chân núi muốn lên núi chỉ có một con đường độc đạo khá nhỏ và khó đi vì xói lở, gập ghềnh và dốc. Nhóm khách nào có ô tô hai cầu và tay lái cứng thì có thể phóng thẳng lên đồi, còn lại du khách chọn đi bộ hoặc đi xe ôm. Xe ôm ở đây có vài cái nhưng mỗi chuyến chỉ chở được một người nên khả năng sẽ phải chờ lâu, vì vậy số đông trong nhóm chúng tôi tính là cứ thong thả vừa đi vừa ngắm cảnh…

Với đôi giày không được khả quan cho lắm, tôi chọn chờ đi xe ôm. Và thật là kinh khủng, chỉ trong khoảng 15 phút ngồi trên chiếc xe ôm, tôi biết thế nào là nỗi sợ khi đi đường rừng với đá lổn nhổn, xe va vào đá kêu khục khục liên tục, nhiều đoạn đường xấu, dốc mà tôi không hình dung nổi cả người lẫn xe đã vượt qua bằng cách nào. Đường xóc không thể tả, để tránh không bị văng ra, tôi phải bám chặt vào thanh đỡ bên yên xe. Không dưới một lần, tôi đã nghĩ đến chuyện dừng xe, xuống đi bộ… Anh tài xe ôm mấy lần nửa động viên, nửa như quát: Chị còn thở không đấy? Không được hét lên, đừng có giơ chân ra trước thế không là cả người cả xe bật ngửa ra sau đấy…

Du khách có thể chọn nghỉ ngơi, thư giãn trong rừng thông (ảnh trên) hoặc chọn những bóng cây giữa đồi cỏ cháy để vừa ngắm cảnh vừa check in.

Xuống xe rồi, tôi phải mất một lúc mới… hoàn hồn. Ơ, nhưng mà cảnh đẹp nơi đây đúng là dễ xiêu lòng người. Khu đồi thông thu ngay vào trong tầm mắt, thông nhiều và vươn cao toả bóng râm cho các nhóm khách tới trước chúng tôi đang ngồi vui chơi, thư giãn. Dưới gốc cây, lá thông khô rơi dày như lớp thảm mềm, chúng tôi chỉ việc lấy bạt ra trải là có thể ngồi nghỉ ngơi, ăn uống thoải mái rồi…

Nhưng đó chưa phải nơi ngắm cảnh lý tưởng nhất của đồi Phượng Hoàng. Di chuyển thêm một cung đường không xa nữa là khung cảnh của đồi cỏ cháy sẽ làm mãn nhãn du khách. Đồi cao đầy nắng, gió và bạt ngàn cỏ dại. Những cơn gió cuối năm hanh khô đã làm ngàn cỏ nơi đây khô lại, phủ lên vạt đồi một màu vàng nhạt hoang sơ, quyến rũ khó tả. Lưa thưa trong đồi cỏ cháy là những cây thông xanh ngắt như nét điểm xuyết hoàn mỹ cho bức tranh của tự nhiên.

Cảnh quan nơi đây mỗi góc nhìn lại có một vẻ đẹp khác nhau. Bên sườn núi là những con đường mòn quanh co dẫn lối để du khách tìm tới khám phá. Những đồi cỏ cháy như nối dài, hút tầm nhìn du khách. Và xa kia lại là đồi thông lưa thưa với những dáng thông thẳng đứng trên sườn đồi trơ trọi. Đỉnh núi với những mỏm đá thiên tạo độc đáo, có lẽ vì thế mà người ta gọi núi non nơi đây theo tên loài chim Phượng Hoàng tuyệt đẹp chăng?

Lều ngủ dành cho khách nghỉ qua đêm trên đồi Phượng Hoàng.

Dịp cuối năm thời tiết se lạnh nên dẫu có nắng vàng thì trên đỉnh Phượng Hoàng không khí vẫn khá dễ chịu. Vì vậy, nhiều nhóm khách đã chọn những bóng thông để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp này. Check in ở đây cũng cho các bạn trẻ những góc hình rất đặc sắc, độc, lạ.

Với khung thời gian rộng rãi, du khách vừa có thể check in những đồi cỏ cháy miên man, bất tận vừa có thể thoải mái nghỉ dưới bóng thông trong tiếng gió rì rào… Vui chơi, thư giãn một ngày cũng là đủ, còn nếu muốn nghỉ qua đêm, ở đây có sẵn những căn lều bạt nhỏ với chăn nệm khá tiện dụng phục vụ cho các nhóm khách…

Khung cảnh thiên nhiên của đồi Phượng Hoàng thực sự tuyệt đẹp, dễ chinh phục lòng người. Nhưng việc du lịch tới đây cũng đúng với tính chất của du lịch “bụi”, vì mọi hoạt động chủ yếu đều là tự phát. Các dịch vụ trên núi hầu như không có gì, vì vậy các nhóm khách cần có sự chuẩn bị trước khi lên núi, từ việc chuẩn bị bạt trải cho đến hoa quả, nước uống, đồ ăn...

Với các tuyến đường di chuyển dưới chân núi cũng như đường rừng lên cảnh điểm còn chưa thực sự được đầu tư thì xe cộ cũng là điều cần lưu ý. Xe mô tô phân khối lớn cũng là lựa chọn tốt cho hành trình này, giúp các bạn trẻ có thể tiết kiệm được cả về thời gian và thể lực để khám phá hết các đỉnh núi nơi đây. Và các vật dụng cá nhân như giầy dép, tư trang phù hợp… cho một tour leo núi cũng là gợi ý từ chuyến trải nghiệm của chúng tôi.

Du khách có vô số góc đẹp để check in trên đồi cỏ cháy.

Có một lưu ý, cũng vì hoạt động du lịch mang tính tự phát nên giá các dịch vụ khi sử dụng tại đây được áp dụng khá tuỳ ý, không theo quy định nào cả. Với nhóm chúng tôi, chủ vườn thu vé vào cổng mỗi người 10.000 đồng (với lý do thu tiền công san gạt đường lên núi), vé gửi ô tô là 50.000 đồng/xe.

Gà nướng bán tại chỗ là 400.000 đồng/con nhưng nếu nghe lời chủ vườn “cứ lên núi đi, lát chúng em ship lên cho” thì phí ship mỗi con gà sẽ cộng thêm 50.000 đồng, bất kể chuyến xe đó ship bao nhiêu con gà hay đồ đạc. Xe ôm lên khu đồi thông gần nhất là 50.000 đồng/người, còn đi xa hơn tới những khu đồi tiếp theo, giá sẽ tiếp tục tăng lên... Và ở đây toàn bộ là những khu đồi tự nhiên nên có tìm mỏi mắt cũng không thấy nhà vệ sinh hay thùng rác nào xung quanh…

Mặc dù chưa phải điểm du lịch của địa phương nhưng thực tế cho thấy, số lượng khách đến với đồi Phượng Hoàng trải nghiệm tương đối đông, nhất là vào những dịp cuối tuần, lễ tết, vì vậy thiết nghĩ địa phương cần có một số quy định trong quản lý hoạt động du lịch tại đây. Và về lâu dài, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch phù hợp cũng là rất cần thiết, để có thể khai thác một cảnh điểm đẹp của Uông Bí, phục vụ cho phát triển du lịch nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

Theo Ngọc Mai/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79144 Tổng lượt truy cập 89262267