TP Uông Bí nỗ lực trong việc di dời lò vôi thủ công

Uông Bí là một địa phương sớm có chủ trương tập trung di dời và tháo dỡ các lò vôi ra khỏi thành phố. Đây là mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng với yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao của cộng đồng dân cư. Uông Bí cũng xác định: Việc di dời và tháo dỡ các lò vôi sẽ tránh gây ô nhiễm môi trường và quy hoạch xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là cần thiết và cấp bách.

Dự kiến hết năm 2018, TP Uông Bí sẽ hoàn thành việc đóng cửa các lò vôi thủ công trên địa bàn.

Ngành sản xuất vôi tại Việt Nam hiện nay đa phần được sản xuất theo công nghệ nung thủ công và sinh ra lượng khí thải khổng lồ. Thực tế cho thấy, đa số các lò vôi thủ công hình thành tự phát từ lâu đời và đều nằm trong khu dân cư, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, gây tai nạn, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.

Thời gian qua, trên địa bàn TP Uông Bí có nhiều lò vôi hoạt động tự phát, không có giấy phép theo quy định, quá trình hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn, hiện nay, TP Uông Bí đang tập trung triển khai đồng loạt các giải pháp, đảm bảo lộ trình đến hết 31/12/2018 sẽ hoàn thành xong công tác này. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có tổng số 51 cơ sở, 68 lò, với 115 ống lò sản xuất vôi thủ công. Trong đó, có 44 cơ sở sản xuất, với 57 lò, 96 ống lò vẫn đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại các khu vực: Vành Kiệu, đường Cẩm Hồng, Núi Hiệp Thanh, Trại giam Quảng Ninh, đường Bạch Thái Bưởi, khu Dốc Đỏ.

Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, thành phố đã vận động dừng sản xuất 16 lò vôi thủ công với 26 ống lò, thực hiện tháo dỡ được 3 lò. Ông Lê Văn Bé, chủ lò vôi thủ công tại khu Bí Trung 1 – người đầu tiên tự nguyện tháo dỡ công trình lò vôi của gia đình đã chia sẻ: “Các hộ sản xuất vôi trên địa bàn đều đã nắm được chủ trương dừng hoạt động sản xuất vôi trong năm 2018 của tỉnh, thành phố. Nói chung, chúng tôi rất đồng thuận với chủ trương này. Tuy nhiên, hiện nay nhiều lò vôi mới được đầu tư với kinh phí lớn còn chưa thu hồi được vốn, chưa kể các lò vôi còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Do vậy, để dừng hoạt động, chúng tôi rất mong muốn tỉnh và thành phố có cơ chế hỗ trợ hợp lý, cũng như tạo điều kiện định hướng cho người lao động được ổn định việc làm, thu nhập…”.

Dừng hoạt động các lò vôi thủ công sẽ đảm bảo môi trường sống và sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn 39 cơ sở sản xuất vôi đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại phường Phương Nam. Do tác động của nhiều yếu tố, các cơ sở này đều có nguyện vọng chuyển đổi nghề nghiệp, vì thế, UBND thành phố đã điều chỉnh phương án hỗ trợ cho các chủ lò và người lao động theo hướng linh hoạt, sát thực với thực tế. Động thái này thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương để tránh thiệt thòi cho các chủ lò và người lao động và cũng là để đảm bảo lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công hiện nay.

Khẳng định về quyết tâm của thành phố, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã giao các phòng, ban, đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ lò ký hợp đồng xác định thời hạn đối với lao động làm việc tại lò vôi; có giải pháp hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi phá dỡ các lò vôi. Đồng chí cũng yêu cầu Phòng Quản lý đô thị điều chỉnh một số nội dung của đề án hỗ trợ chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công trên địa bàn thành phố, như: điều chỉnh đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, lao động nhận hỗ trợ, mốc thời gian được hỗ trợ... để có thể sớm hoàn thành việc di dời các lò vôi theo đúng chỉ đạo.

Hiện TP Uông Bí cũng đang thực hiện hỗ trợ lãi suất vay chuyển đổi cơ sở sản xuất mới để các chủ cơ sở bớt khó khăn. Bên cạnh đó, đối với người lao động, TP Uông Bí hỗ trợ đào tạo nghề. Mặt khác, với các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư, như: sản xuất gạch nung; chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường, TP Uông Bí cũng chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn rà soát, lập danh sách để thành phố triển khai công tác di dời, dừng hoạt động theo quy định, đảm bảo môi trường và sức khỏe nhân dân.

Ô nhiễm môi trường từ các lò vôi đốt thủ công trên địa bàn một số xã, phường thuộc địa bàn thành phố Uông Bí đã diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy, để việc xóa các lò vôi thủ công không mãi là lộ trình, chính quyền địa phương sẽ có thái độ kiên quyết để đảm bảo phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm vôi có giá trị cao, ổn định bền vững và quan trọng hơn cả là bảo vệ sức khỏe cũng như niềm tin của công dân thành phố./.

Theo Thùy Châm/quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14091 Tổng lượt truy cập 91338367