TP Uông Bí: Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới

Thực hiện Luật Bình đẳng giới, những năm qua, thành phố Uông Bí luôn quan tâm triển khai Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Hội nữ doanh nghiệp thành phố ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, sau 15 năm triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011- 2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn, thành phố Uông Bí đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trên mọi lĩnh vực. Điển hình, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND, số lượng các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng dần qua các nhiệm kỳ. Chỉ tính trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ thành phố là 16,3% (7/43 người), tăng 6,5% so với quy định của cấp trên; cấp ủy nữ cơ sở là 11/38 người, chiếm  28,9%, tăng gần 10% so với quy định. Đại biểu HĐND thành phố có nữ tham gia đạt 17,8%, tăng trên 1,6% so với quy định, Đại biểu HĐND cấp xã có nữ tham gia đạt 36,7%. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo các phòng ban, ngành thành phố chiếm 36,8%. Hàng năm, trên 90% số lao động nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại được doanh nghiệp cho khám sức khỏe định kỳ. Trình độ tay nghề của lao động nữ được quan tâm. Nhiều nữ CNVCLĐ được đề bạt giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý. TP thực hiện tốt việc giới thiệu, quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp ủy và quản lý theo quy định. Đội ngũ cán bộ nữ từ thành phố đến xã, phường thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, quản lý Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ nữ được chú trọng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ nữ trên địa bàn TP được chú trọng.

Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng DTTS có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi đạt 100%; việc cung cấp dịch vụ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bước đầu phát huy hiệu quả.  Bên cạnh đó, các xã, phường cũng thường xuyên tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tại các thôn, khu phố cũng được được truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thông qua các cuộc họp cơ quan, họp thôn, khu phố.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác bình đẳng giới trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Công tác giáo dục truyền thông chưa được triển khai sâu rộng, các hoạt động và hình thức tuyên truyền, hỗ trợ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự phù hợp với nhân dân; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp,tỷ lệ các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường có lãnh đạo quản lý là nữ còn thấp. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí bố trí cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp thành phố còn thấp.

Theo ghi nhận, nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bình đẳng giới đã được tăng cường để nâng cao nhận thức về giới cho cán bộ, nhân dân nhưng chuyển biến còn chậm hoặc vẫn còn ảnh hưởng tư tưởng phong kiến và tâm lý thích sinh con trai, gia trưởng độc đoán. Kinh phí phục vụ cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cân đối còn ít, chưa đảm bảo cho hoạt động, vẫn còn một số xã, phường chưa cân đối kinh phí ngay từ đầu năm nên chưa chủ động trong hoạt động. Công tác khảo sát, điều tra số liệu bình đẳng giới có phần hạn chế như chưa thống kê được số học sinh, sinh viên  theo học các trường Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung cấp - cao đẳng nghề, trong đó có học sinh, sinh viên nữ để có cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực; Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới chưa được bố trí chuyên trách, còn kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, lãnh đạo triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược bình đẳng giới. Công tác phối hợp liên ngành, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH chưa được đồng bộ.

Phụ nữ TP tham gia Chương trình khiêu vũ thể thao gây quĩ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Trong giai đoạn mới, thành phố Uông Bí phấn đấu tỷ lệ nữ tại các cơ quan chuyên môn thuộc Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ  thành phố và các xã, phường có lãnh đạo chủ chốt là nữ nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Các cơ sở giáo dục phổ thông duy trì, lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới trong chương trình giảng dạy.  Phấn đấu đảm bảo đạt yêu cầu chung của Chính phủ và Tỉnh đến năm 2025 có ít nhất 60% và đến năm 2030 đạt 75% trở lên các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, chính quyền địa phương các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030; Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo và tập huấn, nâng cao năng lực đạt ít nhất 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Đối với các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số phải có cán bộ lãnh đạo nữ là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư. Phấn đấu tăng tỉ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương đạt 35% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX đạt từ 18,5% trở lên và 25% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ, 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản. Đến năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Đảm bảo 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 108 bé trai /100 bé gái sống vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành bậc giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đạt 100% vào năm 2025 và duy trì đến hết năm 2030. Phấn đấu đạt 92% dân số vào năm 2025 và 95% dân số vào năm 2030 được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới….

Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ TP tăng dần qua các nhiệm kỳ.

Những nỗ lực trong công tác bình đẳng giới sẽ là tiền đề để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới giai đoạn mới. Qua đó, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới./.

Kim Thuỷ

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 113149 Tổng lượt truy cập 89313437