TP Uông Bí: đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngày 17/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1414/QĐ-TTg công nhận TP Uông Bí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây là thành quả ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thành phố, của 2 xã Nông thôn mới trong thực hiện 19 tiêu chí của chương trình MTQG quan trọng này. Từ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM, hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí luôn được Uông Bí quan tâm hàng đầu, bởi đây là tiêu chí quan trọng, có vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã Nông thôn mới.

Trang trại trồng TLRĐ tại xã Thượng Yên Công theo qui mô sản xuất hàng hóa.

Để đổi mới và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, trước tiên, thành phố đặc biệt chú trọng rà soát, xây dựng các Quy hoạch chung, tổng thể, cũng như qui hoạch phát triển theo ngành, lĩnh vực và công bố rộng rãi tới người dân... Trong đó có các qui hoạch nền tảng, làm cơ sở, “xương sống” để đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất, như: Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung TP Uông Bí đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã...

Bám sát qui hoạch, Uông Bí đã xây dựng được 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, chương trình OCOP, gồm: vùng trồng vải chín sớm Phương Nam, vùng trồng thanh long ruột đỏ, vùng trồng cây mơ lông Yên Tử, vùng trồng mai vàng Yên Tử, vùng trồng thông nhựa, vùng trồng rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hiện trên địa bàn có 33 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh; trong đó 7 sản phẩm đã được công nhận đạt 4, 5 sao.

Ao nuôi tôm được đầu tư qui mô tại một nông hộ ở xã Điền Công.

Để đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức sản xuất, nhất là nhân rộng các mô hình có hiệu quả theo hướng hàng hóa, Uông Bí đã tập trung nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích các nông hộ, tổ chức về lãi suất, tích cực ứng dụng KHCN phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Trong 8 năm từ năm 2011 đến 2018, từ nguồn ngân sách TW, Tỉnh, thành phố đã hỗ trợ các hộ dân, tổ chức 29,7 tỷ đồng. Vốn của doanh nghiệp, hộ dân tự đầu tư là 90,2 tỷ đồng. Riêng hỗ trợ lãi suất là trên 5 tỷ đồng với 52 dự án. Nhiều dự án, mô hình cho hiệu quả rõ rệt, phát triển trở thành hàng hóa, như: Vải chín sớm, Thanh long ruột đỏ, nước mơ muối, rượu mơ Yên Tử, dầu xoa bóp các loại…

Giải pháp tiếp theo thành phố khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm là tăng cường hoạt động liên kết “4 nhà”. Theo đó, Uông Bí phối hợp với Công ty CPPT Tùng Lâm; Công ty Dược khoa cùng các giảng viên và sinh viên của Bộ môn Thực vật - Trường ĐH Dược Hà Nội trồng, lưu giữ hơn 200 loài cây dược liệu quý, nhiều cây có trong Sách đỏ Việt Nam, như Khôi tía, Giảo cổ lam, Ba kích,… 

8 năm qua, Uông Bí đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh mở 131 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 5.000 nông dân; tổ chức 8 đợt tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tại nhiều địa phương bạn cho 300 cán bộ HTX và nông dân. Để đưa nhanh tiến bộ KHKT và giống mới vào sản xuất, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Trạm Thuỷ nông và các hợp tác xã trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác dịch vụ, phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cung ứng dịch vụ giống, phân bón, thú y, thuốc BVTV.

 Từ các chương trình hỗ trợ của thành phố, một số đơn vị đã tiên phong khai thác các sản phẩm thế mạnh tại địa phương để sản xuất đồ uống, nước giải khát, dầu xoa bóp, có sức tiêu thị tốt trên thị trường, như Doanh nghiệp tư nhân - xí nghiệp bia Thăng Long, Hợp tác xã Thảo dược Yên Tử, cơ sở rượu mơ Quang Vinh… Còn tại xã Điền Công, phát huy thế mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản, xã đã tuyên truyền, vận động, đề xuất nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Đến nay, xã đã có 81 ao đầm chuyên nuôi tôm, cá, rươi…, mang lại thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng cho mỗi nông hộ 1 năm.

Sản xuất rượu mơ Yên Tử tại cơ sở Quang Vinh, xã Thượng Yên Công.

Đến nay, trên địa bàn 2 xã Nông thôn mới tại Uông Bí đã hình thành 4 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và công nghiệp. Gồm, HTX Thảo dược Yên Tử; HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ làng quê Yên Tử; HTX du lịch, dịch vụ nông thôn Thượng Yên Công; HTX Mặt trời vàng. Ngoài các HTX còn có 3 tổ hợp tác, 12 cơ sở sản xuất dịch vụ thương mại; 3 Hội nghề nghiệp. Hàng năm, các đơn vị đều sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ và hội viên phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, 2 xã hiện có 6 trang trại doanh thu khoảng trên 10 tỷ đồng/năm; 10 gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt; 12 cơ sở sản xuất kinh doanh hàng năm cho thu nhập trên 12 tỷ đồng; 1 cơ sở sản xuất rượu mơ; 2 cơ sở nuôi trồng nấm Linh chi... tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Với các giải pháp hiệu quả trong mở rộng, phát triển, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, tại các xã NTM của Uông Bí, sản xuất đang chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn theo hướng hàng hóa, theo chuỗi giá trị sản phẩm. Giai đoạn 2010-2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng bình quân 6%/năm, đời sống các hộ nông dân ổn định, từng bước được cải thiện; năng suất lúa, cây trồng được nâng lên. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với trước khi xây dựng NTM (từ 18,96 triệu đồng/người vào năm 2010 lên 42,3 triệu đồng/người vào năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thượng Yên Công giảm từ 9,56% năm 2010 xuống còn 0,88% năm 2018; tại xã Điền Công giảm từ 8,52% xuống 0,17%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,5%. Đây chính là kết quả quan trọng để Uông Bí xây dựng NTM bền vững và tiếp tục nâng chất chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17332 Tổng lượt truy cập 91161110