Tích cực chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo Sở GD&ĐT, mục tiêu đến tháng 7/2020, 100% cơ sở giáo dục tiểu học trong tỉnh phải chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết để năm học 2020-2021, khối 1 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Để chuẩn bị cho việc thay đổi này, thời gian qua, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, trên cơ sở phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.

Từ năm học 2020-2021, Quảng Ninh sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. (Ảnh chụp học sinh Trường Tiểu học Hạ Long học kỹ năng sống)

Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh theo đúng kế hoạch và lộ trình quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Lộ trình cụ thể như sau: Từ năm học 2020-2021 thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm 2023-2024 thực hiện đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024-2025 thực hiện đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Trên cơ sở Thông tư này, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, các trường phổ thông trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Quảng Ninh. Mục tiêu đến tháng 7/2020, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng xong bộ tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học, THCS, THPT trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đồng thời, Sở sẽ tổ chức tập huấn dạy học nội dung giáo dục địa phương đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học các cấp học trong tỉnh xong trong tháng 7/2020.

Về việc xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương, Ban soạn thảo của tỉnh sẽ xây dựng nội dung, chương trình đảm bảo tính thời sự, gần gũi về văn hóa, lịch sử, địa lý, môi trường, hướng nghiệp... của tỉnh. Bộ tài liệu này sẽ thống nhất sử dụng trong các trường phổ thông trên địa bàn, đảm bảo tính cân đối, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT.

Chuẩn bị về đội ngũ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ; thành lập các tổ, nhóm giáo viên cốt cán cấp tỉnh đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu và chất lượng để cử đi bồi dưỡng, tập huấn ở Bộ GD&ĐT.

 

Một tiết học của học sinh lớp 12, Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long), năm học 2018-2019.

Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các trường phải xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần bồi dưỡng theo từng năm để tổ chức bồi dưỡng đại trà ở tỉnh theo phương thức ứng dụng CNTT, giáo viên tự học các bài giảng và tài liệu đã đưa lên mạng Internet, có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán; hoặc chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ phải lựa chọn hoặc cử giáo viên đủ tiêu chuẩn, phù hợp, thích ứng tốt cho việc đổi mới chương trình để dạy các khối/lớp theo lộ trình đổi mới chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng các lớp đầu cấp học.

Để chuẩn bị về các điều kiện cơ sở vật chất, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã tiến hành tổng rà soát các điều kiện dạy học; tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025. Trong đó, Sở GD&ĐT đề xuất ưu tiên đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình phòng học đảm bảo 1 phòng/lớp, phòng tin học, ngoại ngữ, thư viện đối với cấp tiểu học; phòng bộ môn, phòng chức năng và thư viện đối với cấp THCS, THPT, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học cấp 4, phòng học bị xuống cấp.

Mô hình bố trí các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Đồ họa: Vietnamnet.vn)

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục, trong đó có trên 99,9% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, 63,26% đạt trên chuẩn. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cũng đã đạt trên 80%. Vẫn còn hơn 1 năm nữa để tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho giáo dục phổ thông mới. Chắc chắn, với sự vào cuộc tích cực của ngành Giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đúng theo lộ trình.

Theo Lan Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23780 Tổng lượt truy cập 91405040