Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW: Những chuyển biến tích cực

Ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Xác định đây là chủ trương lớn của Đảng, là cơ sở, định hướng để các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng quan điểm nghị quyết và phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương.

Hạ tầng giao thông đường bộ được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Đỗ Phương

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh đặc biệt chú trọng đến các yếu tố phát triển mang tính liên vùng trong vùng đồng bằng sông Hồng từ việc cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết để đưa vào Quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Song song với đó, tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, XIV, XV và kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH qua các giai đoạn (2006-2010, 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025) để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ.  

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã cập nhật những định hướng phát triển quan trọng của vùng, cũng như xác định vị trí vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia và khu vực. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, có tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH. Trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách để tập trung phát triển KT-XH; UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình trong từng lĩnh vực nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết.

Quảng Ninh cũng chủ động, tích cực xây dựng và triển khai các nghị quyết chuyên đề trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng các đề án lớn, báo cáo trung ương cho chủ trương triển khai nhằm đề xuất các cơ chế, đột phá cho phát triển, đồng thời đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách của Trung ương. Mạnh dạn vận dụng hình thức đối tác công - tư trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, hạng mục lớn của tỉnh, góp phần làm cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây cũng là các đề án, chính sách có tầm nhìn chiến lược, đặt ra các mục tiêu, giải pháp mang tính dài hạn, xuyên suốt qua các năm, các nhiệm kỳ sau...

Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đón khách trở lại sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đào Linh

Đánh giá về cách làm của tỉnh, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Nghị quyết số 54 đã được triển khai với quyết tâm chính trị rất cao tại Quảng Ninh từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đến huy động sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hệ thống. Các mục tiêu, giải pháp được tỉnh cụ thể hóa với những chỉ tiêu có thể định lượng được. Trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã phát huy nội lực, tự lực tự cường tìm kiếm nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách; xây dựng quy hoạch chiến lược; tìm kiếm các mô hình đổi mới, sáng tạo riêng có của địa phương...

Thực tiễn xuyên suốt nhiều năm qua ở Quảng Ninh cho thấy, Nghị quyết số 54 đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những thay đổi rất cơ bản, to lớn cho tỉnh. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong gần 17 năm qua luôn đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước và nằm trong nhóm những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao; bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 10,12%/năm. Năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì 2 con số, đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau TP Hải Phòng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, trong đó dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển.

Đời sống của nhân dân, nhất là khu vực biên giới, hải đảo đã được nâng lên rõ rệt.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội mang đến kết quả rất tích cực. Hiện Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng NTM, tạo nên những thay đổi rõ nét về diện mạo thành thị và nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao hơn, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. Chính trị - xã hội ổn định, QP-AN được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Đến nay, Quảng Ninh đã khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một địa phương đổi mới, năng động, sáng tạo; một trong những trọng điểm kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Thành quả đó đã và đang tạo thế và lực mới cho sự phát triển của Quảng Ninh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 32433 Tổng lượt truy cập 91035590