Thu và sử dụng phí tham quan Yên Tử - Bài 2: Xây dựng giá trị thương hiệu riêng

“Sao Yên Tử đón cả triệu khách hàng năm mà lại đi xin tiền trung ương để đầu tư cho di tích?” - Từng có thắc mắc như thế này, cũng là câu hỏi “trúng”, “đúng” để Quảng Ninh có lời giải đáp thoả đáng từ việc thu và sử dụng phí tham quan Yên Tử hiện nay...

Về với hội xuân Yên Tử, du khách thường rất ấn tượng với chương trình khai hội trang nghiêm, hoành tráng, thể hiện khí phách cha ông xưa, tôn vinh công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông gắn với non thiêng Yên Tử. Đồng thời cũng rộn ràng khí thế, sức sống mùa hội xuân nơi thành phố trẻ Uông Bí. Không chỉ vậy, trong mùa hội xuân năm 2018, lần đầu tiên quốc hoa đến từ đất nước mặt trời mọc đã hội ngộ và đua sắc cùng mai vàng nơi đây trong Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, khiến du khách bốn phương đổ về Yên Tử chiêm ngưỡng những không gian rực rỡ sắc hoa, để lại những cảm nhận thật đặc biệt. Năm nay, lễ hội dự kiến sẽ tiếp tục được TP Uông Bí chủ trì tổ chức trong thời gian tới đây...

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về thu phí tham quan danh thắng Yên Tử. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Qua tìm hiểu được biết, nguồn kinh phí để tổ chức các lễ hội này, ngoài huy động xã hội hoá là cân đối hỗ trợ từ nguồn ngân sách, từ năm 2018 đến nay là từ nguồn thu phí tham quan Yên Tử. Cụ thể, thành phố tổ chức hội xuân Yên Tử từ năm 2015 đến nay đều chi hơn 500 triệu đồng mỗi năm, gần nhất năm 2018 là hơn 548 triệu đồng. Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử năm 2018 có tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trong đó tiền cân đối từ ngân sách 3 tỷ đồng, xã hội hóa 7 tỷ đồng.

Không chỉ có những sắc hoa rực rỡ, để hội xuân Yên Tử trở thành điểm sáng trong tổ chức lễ hội của Quảng Ninh và cả nước là không dễ. Bởi lẽ, Yên Tử trải dài từ chân lên tới đỉnh núi, có nhiều điểm chùa, am, tháp, nhiều tuyến hành hương khác nhau; hội xuân Yên Tử kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân với lượng khách cả vạn người/ngày, các mùa còn lại lượng khách thưa vắng hơn vẫn lên tới cả nghìn người/ngày. Để Yên Tử luôn bình yên, giao thông thông suốt, không có cò mồi, trộm cắp, tệ nạn mê tín dị đoan, vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ, các hàng quán gọn gàng, an toàn thực phẩm, công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu luôn đảm bảo... cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ của rất nhiều lực lượng, đơn vị trên địa bàn.

Ông Lê Minh Quang, Trưởng Phòng VH-TT TP Uông Bí, chia sẻ: Duy trì hội xuân và các mùa khác trong năm, nguồn thu phí tham quan Yên Tử cũng được thành phố sử dụng để hỗ trợ các lực lượng trong đảm bảo về ANTT, ATGT, PCCN, cứu hộ, cứu nạn, y tế... Mùa hội xuân, số nhân lực huy động từ lực lượng công an, quân sự, doanh nghiệp, nhà chùa và các phường, xã liên quan lên tới hơn 300 người, cộng với trang thiết bị, cơ sở vật chất đi kèm với mục tiêu là đảm bảo tốt nhất cho người dân, du khách hành hương về Yên Tử.

Với Yên Tử, công tác vệ sinh môi trường được đặc biệt coi trọng. Du khách tham quan nơi đây hẳn đều có chung cảm nhận về sự sạch sẽ, rác được thu gom thường xuyên mặc dù việc thu gom, vệ sinh ở các điểm chùa và trên dọc tuyến hầu như phải sử dụng bằng sức người là chính. Mùa hội xuân Yên Tử trung bình phải xử lý từ 10 đến 12 tấn rác/ngày, với số lượng rác này phải sử dụng 150 công nhân để vừa thu gom vừa trung chuyển rác từ chùa Đồng xuống bãi tập kết dưới chân núi để thu gom và chuyển ra bãi rác xử lý, không để rác tồn qua đêm. Những năm qua, Uông Bí giao cho Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đảm nhiệm việc đảm bảo vệ sinh môi trường toàn tuyến Yên Tử (từ khu vực bến xe Hạ Kiệu lên tới đỉnh chùa Đồng). Năm 2018, từ nguồn thu phí tham quan, thành phố đã hỗ trợ lại cho doanh nghiệp 1 tỷ đồng để cùng xử lý rác tại Yên Tử.

Bên cạnh đó, TP Uông Bí hiện đã và đang nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường vào Yên Tử từ nguồn thu phí tham quan. Cụ thể: Tuyến đường từ cầu Bắc Sơn đến cầu Vành Lược thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số tuyến đường hành hương vào khu di tích Yên Tử và di tích Ngọa Vân, có tổng mức đầu tư trên 62,8 tỷ đồng. Rồi xây cầu Hai Thanh cũng thuộc dự án kể trên, có tổng mức đầu tư trên 11,77 tỷ đồng; xây dựng rãnh thoát nước từ ngã tư Nam Mẫu đến ngã ba Miếu Bòng, có tổng mức đầu tư trên 8,8 tỷ đồng. Trong năm nay, thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai cải tạo, nâng cấp tuyến đường Dốc Đỏ - Yên Tử (đoạn Km0+00 - Km3+100) dài 3,1km, theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị...

Xin trở lại thời điểm trước năm 2007, Ban Quản lý Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (nay là Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử) là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải kinh phí hoạt động, trong đó có nguồn thu từ phí tham quan, vãng cảnh Yên Tử để sử dụng đảm bảo hoạt động của bộ máy và trùng tu, tôn tạo các di tích... Sau khi điều chuyển nhiệm vụ thu, quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức, giọt dầu cho BTS GHPG tỉnh, đồng thời, tạm dừng việc thu phí tham quan, vãng cảnh tại Yên Tử khiến hoạt động của đơn vị có nhiều hạn chế.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Khi đó, các hạng mục về đầu tư xây dựng, tôn tạo tại Yên Tử, duy trì hoạt động của bộ máy đơn vị đều sử dụng ngân sách nhà nước. Với kinh phí hạn chế nên công tác tổ chức, quản lý lễ hội, trùng tu, tôn tạo di tích có nhiều khó khăn. Nay tái thu phí tham quan Yên Tử, tổng số thu từ nguồn này được trích lại 20% để đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử với hơn 70 cán bộ, nhân viên. 80% còn lại được nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử… Năm 2018, năm đầu tiên tái thu phí tham quan Yên Tử đạt hơn 40,17 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này thực sự cần thiết để đầu tư trở lại cho di sản, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng giá trị thương hiệu riêng cho Yên Tử...

Theo Phan Hằng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 124811 Tổng lượt truy cập 89336000