Thế Phùng - Nhạc sĩ đa tài

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Phan Thế Phùng đã sáng tác được hơn 300 ca khúc. Nhiều ca khúc của anh được người yêu âm nhạc trân trọng, yêu quý.

Nhạc sỹ Thế Phùng thổi sáo mèo.

Anh đã tuyển chọn các ca khúc vào 3 tập: “Tiếng hát quê hương”; “Ca khúc Thế Phùng”; “Trăng Yên Tử”. Qua đó anh chắt lọc, lựa chọn ra được 80 ca khúc tiêu biểu. Nhiều bài hát của anh được những ca sĩ hàng đầu Việt Nam thể hiện, phát trên VTV và VOV, như: “Làng Hương”, “Dấu tích Ngọa Vân”; “Yên Tử trường xuân”, “Quê em biển hát”… Đây là kết quả đánh dấu sức sáng tạo bền bỉ hằng chục năm trời của anh.

Đến nay, trong số các nhạc sĩ tại Quảng Ninh, Thế Phùng là một trong hai nhạc sĩ xuất bản được các tập ca khúc cho riêng mình. Những bài hát của nhạc sĩ Thế Phùng được thai nghén từ truyền thống gia đình, trong cái nôi văn hóa sông nước quê hương và cả một quá trình “khổ luyện thành tài”. Ngày còn nhỏ, anh có nhiều dịp đi theo ông, bà nội đến một số chiếu chèo. Vì họ là những nghệ sĩ hát chèo dân gian điệu nghệ, có thể thi tài nhuần nhuyễn trong các hội làng chèo khắp xứ Đông, xứ Đoài… Không gian âm nhạc từ thuở bé thơ đó tạo niềm đam mê, tác động tích cực đến Thế Phùng, có ý nghĩa dẫn dắt, hướng nghiệp anh trong sáng tác.

Quê anh ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, anh gia nhập quân ngũ. Trong chiến tranh ác liệt, Thế Phùng trưởng thành từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Có năng khiếu, anh được chọn học lớp sáng tác ca khúc và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Nhạc viện Hà Nội. Chương trình 3 năm, mỗi năm chỉ học tập trung 3 tháng, vì thế đòi hỏi sự phấn đấu tự học của từng cá nhân lớn lắm. Anh thuần thục với nhiều nhạc cụ dân tộc: Đàn tam thập lục, đàn bầu, sáo mèo, đàn nhị, đàn nguyệt, nhưng đọng lại là sáo trúc. Thời kỳ đó, cùng các nghệ sĩ Ngọc Phan, Đức Tùy, Thế Phùng đã góp phần khẳng định “trường phái thổi sáo truyền hơi”. Đó là kỹ thuật đặc biệt khó “tích hơi ngậm ở bụng”, nên một hơi thổi, có thể dài đến hơn 10 phút, để tiếng sáo trúc ngân nga không đứt đoạn.

Những năm tháng mang tiếng đàn, tiếng sáo phục vụ cho Quân chủng Phòng không Không quân và sau đó có điều kiện gắn bó, thâm nhập thực tế sâu hơn ở Thái Thụy (Thái Bình), Tuần Châu, Hoàng Gia, Yên Tử (Quảng Ninh)… đã giúp nhạc sĩ Thế Phùng thêm vốn sống quý giá để chuyên tâm sáng tác lên ca khúc có hồn cốt cho từng vùng đất.

Trong chuyến đi Trường Sa, Thế Phùng có nhạc phẩm “Mưa Trường Sa” được giới nhạc sĩ đánh giá cao. Các bài hát: “Trăng Yên Tử”, “Sáng mãi Bạch Đằng Giang”, “Lên Chùa Đồng”, “Thành phố bình minh”, “Hai miền quê lúa”, “Nhịp cầu sông Diên” của nhạc sĩ Thế Phùng góp thêm hương sắc, làm "thăng hoa” những vùng đất quê hương mà anh yêu dấu.
                                                                                                        

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12253 Tổng lượt truy cập 91152789