Than Uông Bí đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất

Công ty Than Uông Bí là một trong những đơn vị tiên phong của TKV trong việc đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Máy xúc lật hông mini được Công ty Than Uông Bí cải tiến áp dụng vào sản xuất.

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào tất cả các khâu sản xuất, từ khai thác đến chế biến, vận chuyển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững, Công ty Than Uông Bí đã quan tâm đầu tư nhiều công trình cơ giới hoá, tự động hoá trong sản xuất.

Chỉ tính trong 2 năm (2017-2018), Công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho các công trình tự động hoá, cơ giới hoá phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả cao như: Hệ thống tự động hóa điều khiển tập trung và quản lý khí mỏ tại trung tâm điều hành sản xuất văn phòng; công trình tự động hóa hệ thống tuyến vận tải liên tục giếng chính đến xưởng sàng MB+24 Tràng Khê với tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, giảm nhân công trực tiếp từ 18 người/ngày xuống còn 6 người/ngày; hệ thống tự động hóa điều khiển và giám sát trạm khí nén khu Tràng Bạch với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ đồng, mục tiêu tự động hóa về công tác quản lý vận hành, đảm bảo công tác an toàn, giảm nhân lực vận hành từ 6 người/ngày xuống còn 3 người/ngày; trang bị mặt nạ phòng bụi cho người lao động, xây dựng nhà vệ sinh trong hầm lò...

Đặc biệt, đầu năm 2018, Công ty đã phối hợp với Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí nghiên cứu, cải hoán từ máy xúc KOMASU PC10 thành máy xúc lật hông mini ML-01-0,15 cho phù hợp với điều kiện khai thác, đào lò trong phân khúc đường lò nhỏ. Theo ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty Than Uông Bí, máy xúc cải tiến này có kích thước rất nhỏ gọn, cho phép đào được những gương lò bé ở mức 5m2, thuận lợi trong quá trình lắp ghép và tháo rời khi chuyển diện, rất hiệu quả trong việc tăng năng suất đào lò. Nếu trước đây, ở lò phân tầng, 1 gương than phải cần 10 công nhân, nhưng với sản phẩm này thì chỉ cần từ 3-4 người, giảm mạnh được nhân công tham gia trực tiếp và tăng nhanh về năng suất, tạo môi trường làm việc an toàn. Tới đây, Công ty sẽ thành lập những phân xưởng cơ giới hóa đào lò và đưa các thiết bị này xuống vị trí sản xuất sớm nhất. Qua đó, giúp giảm tối đa sức lao động, đồng thời tăng năng suất, tốc độ đào lò, góp phần giúp đơn vị hoàn thành chỉ tiêu đào lò mà Tập đoàn giao.

Theo đánh giá của Công ty Than Uông Bí, đến nay các công trình, dự án đầu tư đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhân công, an toàn trong lao động sản xuất, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất, Công ty cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ người lao động như: Khánh thành và đưa vào sử dụng nhà ăn 400 chỗ tại khu tập thể Trưng Vương; nhà ăn trung tâm điều hành khu Tràng Khê với công suất phục vụ 3.000 suất ăn/ngày đêm; xây dựng mới khu tập thể công nhân 5 tầng tại phường Trưng Vương phục vụ chỗ ở cho 1.500 công nhân với điều kiện cơ sở vật chất khang trang.

Hằng năm, Công ty đều tổ chức khám, điều trị tại chỗ cho trên 20.000 lượt người, khám định kỳ cho 6.000  người; tổ chức cho công nhân đi du lịch, nghỉ dưỡng sức phục hồi chức năng; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp và hỗ trợ từ thiện cho gia đình CBCN với tổng số tiền là 607 triệu đồng...

Đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động không ngừng được nâng cao với tiền lương bình quân 11,9 triệu đồng/người/tháng (trong đó thợ lò đạt trên 15 triệu đồng/người).

Theo Đặng Nhung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14515 Tổng lượt truy cập 91156693