Tập trung xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu dùng chung

Trong tiến trình chuyển đổi số, Quảng Ninh quyết tâm đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả cả 3 nội dung: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh xác định sẽ xây dựng mới và tái cấu trúc lại hệ thống hạ tầng thiết yếu cả về phần cứng và phần mềm; khắc phục những điểm bất cập, thiếu đồng bộ về hạ tầng CNTT, viễn thông trong giai đoạn trước; đồng thời xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh.

Người tiêu dùng quét mã QR tra cứu thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2022.

Sở NN&PTNT hiện là một trong những đơn vị triển khai chuyển đổi số tích cực nhất trong toàn tỉnh. Đến nay, Sở đã xây dựng và đưa vào hoạt động ổn định hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: “https://qn.check.net.vn/”; đồng thời, tích hợp thêm module phần mềm quản lý đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP tại địa chỉ: “https://qn.eocop.vn/”. Hệ thống bước đầu đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế trên địa bàn; tiến tới mở rộng việc cấp tài khoản quản lý đến các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.

Với hệ thống được xây dựng, Sở đã cung cấp thông tin của 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh tới các siêu thị, chợ và 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, đã có 177 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được đưa lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tập trung chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu, ngoài sự nỗ lực của đơn vị quản lý và sự phối hợp tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Sở rất cần sự định hướng, hỗ trợ của tỉnh, nhất là trong việc xây dựng thống nhất được hạ tầng phần cứng và phần mềm cùng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh.

Công an tỉnh triển khai cấp tài khoản xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tương tự, hiện một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh như: Y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, thông tin và truyền thông… cũng đang nhanh chóng, tích cực triển khai ứng dụng hệ thống số hóa hồ sơ thủ tục hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh. Với hệ thống này, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính ở 5 bước trong quy trình, từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số đến trả kết quả, sẽ được số hóa, lưu trữ trên một hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Trong thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác.

Trong việc xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, từ năm 2022, Quảng Ninh cũng bắt đầu triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: Đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Với những cách làm bài bản, đúng quy chuẩn và sự quyết tâm cao của tất cả các cấp, các ngành, chắc chắn Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành và ứng dụng được sâu rộng các cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh để làm nền móng vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 27639 Tổng lượt truy cập 91114838