Tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đạt 10,21%

Ngày 22/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV tổ chức Hội nghị lần thứ 29 để đánh giá tình hình công tác 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29.

9 tháng năm 2022, Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần; bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, tình trạng cung cấp điện thiếu ổn định, giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, tỉnh tiếp tục kế thừa kinh nghiệm và giải pháp mang tính khoa học, các quyết sách xác đúng trong phòng chống dịch 2 năm 2020, 2021, tiếp tục chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng toàn dân. Đến nay, độ bao phủ vắc xin mũi 1, 2 đối với người từ đủ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%; mũi 3 đối với người từ 18 tuổi trở lên đạt 97,9%, người từ 12 tuổi đến 18 tuổi đạt 91,9%; mũi 4 đối với người 18 tuổi trở lên hoàn thành kế hoạch của Trung ương, 67,11% kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng của tỉnh; mũi 1, mũi 2 đối với trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đạt lần lượt 99% và 96,6%. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 29.830 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ.

Đặc biệt là quyết sách đúng đắn, triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch. Quảng Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước về thu hút khách với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh, ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần cùng kỳ - là nhân tố mang tính quyết định cho tăng trưởng 9 tháng qua; ổn định phát triển ngành than, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số 6 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.  

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận hội nghị.

Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cho các công trình động lực chiến lược, đã hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay. Chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh xếp thứ 31/63 tỉnh thành, tăng 5 bậc so với năm 2021; số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic và khoa học quốc tế tăng cao; đặc biệt lần đầu tiên Quảng Ninh có 01 học sinh đoạt huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm, đặc biệt tổ chức thành công 7 môn SEA Games 31 tạo ấn tượng quan trọng với bạn bè quốc tế. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường; ngày 5/6/2022 trên 98% cử tri đã đi bầu trưởng thôn, khu theo phương châm “Dân tin - Đảng cử” nhằm giữ vững tỷ lệ 100% bí thư cấp ủy cơ sở đồng thời là trưởng thôn, khu.

Tỉnh cơ bản ổn định, phát triển, giữ vững đà tăng trưởng, đổi mới, nhân dân và cán bộ đảng viên tin tưởng, phấn khởi, tự hào; nội bộ đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân, các thành phần kinh tế, lực lượng vũ trang…

Đặc biệt, ngày 6/4/2022, tỉnh Quảng Ninh vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận những tư tưởng, quan điểm, chỉ dẫn quý báu, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm, chăm lo ân cần, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư; những đánh giá, ghi nhận, biểu dương, khích lệ, cổ vũ các nỗ lực, cố gắng và thành quả đã đạt được trong thời gian qua của tỉnh; nghiêm khắc chỉ rõ những hạn chế, tồn tại; tin cậy, giao phó nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong chặng đường đi tới với tầm cao mới, khí thế mới, động lực mới của một địa phương tự lực, tự cường vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật trong 9 tháng, nhưng với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, tiến bộ, các ý kiến cũng chỉ ra một số hạn chế cần quan tâm. Đó là khu vực công nghiệp - xây dựng là một trụ cột mang tính quyết định - có dư địa rất lớn ước tăng 8,96% nhưng thấp hơn 3,52 điểm % so với cùng kỳ; Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt mục tiêu kịch bản đề ra. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả; các dự án, công trình động lực khởi công mới trong năm 2020, 2021 đều chậm tiến độ, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 64,8%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước; nhưng so với Kế hoạch vốn giao đầu năm mới đạt thấp trong điều kiện có nhiều thuận lợi hơn năm trước. Công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án đầu tư vẫn là khâu yếu. Dịch vụ, du lịch chưa có nhiều sản phẩm mới. Kinh tế biển, nhất là hoạt động dịch vụ cảng biển, logistics chưa rõ nét, còn thiếu nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, có thương hiệu, uy tín, khả năng kết nối trong nước và quốc tế tỉnh Quảng Ninh. Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng trưởng dưới mức tiềm năng, chưa tận dụng hết các lợi thế khác biệt, cơ hội mới tạo đột phá phát triển, thiếu quy hoạch đồng bộ, tổng thể; nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, sai quy hoạch…

Thống nhất cao với các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những cố gắng vượt bậc, sự đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức tạo nên kết quả quan trọng, tương đối toàn diện, nổi bật và đậm nét trong thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2022.

“Kết quả đó là sức mạnh tổng hợp để Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả Covid-19; giữ vững sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội, sự đoàn kết, thống nhất; giữ vững đà tăng trưởng; giữ vững các quyết sách đổi mới; sáng tạo, đột phá, ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, vì lợi ích nhân dân; giữ vững niềm tin trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, khối đại đoàn kết; giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Đồng chí Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy Quảng Yên, phát biểu tại hội nghị.

Phân tích về những tồn tại, hạn chế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở, chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện có những nội dung, những việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khóang sản, đầu tư công, đất đai; quản lý phát triển văn hóa, xã hội, đô thị có mặt còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Cải cách hành chính có dấu hiệu chững lại, có hiện tượng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc còn chậm, chưa chặt chẽ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế.

Kinh nghiệm rút ra là giữ vững sự ổn định, an ninh chính trị nội bộ; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới. Phải thường xuyên, quyết liệt rà soát, phát hiện những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật từ cơ sở và kịp thời tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn”. Chủ động, tích cực từ xa, từ sớm, từ cơ sở để giải quyết các công việc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trên các lĩnh vực.

Với mục tiêu cao nhất quý IV và cả năm 2022 hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Những yếu tố này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là chuẩn bị bước sang năm 2023, năm bản lề tạo nền tảng vững chắc cho cả giai đoạn 2021 – 2025 và cũng là năm kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Vì vậy, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ các yếu tố nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao tỷ lệ giải ngân, chất lượng công trình đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tất cả các cấp, các ngành trong quý IV. Gắn với nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương. Đổi mới công tác xúc tiến, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới vào lĩnh vực công nhân chế biến, chế tạo; sâu sát đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là các dự án động lực. Hoàn thành vững chắc nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phải hoàn thành Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch TP Hạ Long, Quy hoạch chung Khu kinh tế Quảng Yên, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, Quy hoạch vùng huyện. Phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ và khu vực Vịnh Bái Tử Long. Cơ hội lớn nhất hiện nay là không gian phát triển mới, hành lang phát triển mới để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển. Nhất là sau khi tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đưa vào khai thác còn dư địa rất lớn, các cấp các ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành các quy hoạch và giải quyết, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án động lực.

Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, phát biểu tại hội nghị.

Phát triển doanh nghiệp, sản phẩm mới, du lịch dịch vụ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn có trọng tâm trọng điểm, trong đó tập trung vào các KKT, đặc biệt là KKT Quảng Yên và phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn gắn với khai thác hiệu quả Vịnh Bái Tử Long và không gian du lịch mới lạ, khác biệt từ tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả tạo ra. Khẩn trương xúc tiến, kêu gọi đầu tư hoàn thành Trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.

Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu thực sự có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, điều kiện ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định, quy chế làm việc; đổi mới rõ nét phương thức lãnh đạo, phong cách lề lối làm việc. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội. Gắn kết phát triển giữa đô thị và nông thôn để Quảng Ninh về đích NTM bền vững.

Tập trung phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Phải thực sự quan tâm, chăm lo đúng mức tới đời sống văn hóa, tinh thần, vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở cho người có thu nhập thấp ở vùng đô thị, nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng và nhà ở của các trường hợp bị thu hồi đất, GPMB thuộc diện tái định cư. Quan tâm Đề án phát triển đô thị bền vững, giàu bản sắc gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị của Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long.

Gắn kết hài hoà phát triển giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, xây dựng, du lịch dịch vụ với nông lâm ngư nghiệp. Hiện, tỉnh Quảng Ninh có 64 xã miền núi, biên giới, hải đảo, 98 xã NTM, vì vậy trong chiến lược phát triển của tỉnh cần hết sức chú trọng xây dựng NTM, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Chỉ đạo tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, đầu tư công, môi trường, văn hóa - xã hội... gắn với thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các cấp ủy bảo đảm phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn địa phương; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, tự phê bình và phê bình. Siết chặt công tác giao khu vực biển, lấn biển; quản lý, sử dụng đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29 dành thời gian thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dành thời gian cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công năm 2023. Đầu tư công được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là động lực tăng trưởng, trụ cột cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững vì vậy cần phải được quan tâm đúng mức, lãnh đạo, chỉ đạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải rà soát tổng nguồn, chuyển nguồn đảm bảo chặt chẽ và không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022. Tất cả các dự án mới phải khởi công trong năm nay. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch đảm đảm tính đồng bộ, liên thông, tránh lãng phí. Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế tuyến tỉnh đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng sống của người dân; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, hài hòa, hiệu quả giữa các vùng miền, cân đối giữa các lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa - xã hội - con người - nguồn nhân lực - an sinh xã hội; hạ tầng thiết yếu trong KCN, KKT; hạ tầng thiết yếu nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phải đặc biệt lưu ý hoàn thành dứt điểm lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung TP Hạ Long, quy hoạch KKT Quảng Yên, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cẩm Phả, các thành phố, thị xã, quy hoạch vùng huyện. Rà soát lại chủ trương dự án đường ven sông để xây dựng tiêu chí, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế độ, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả.

Cũng trong ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghe lần 2 và thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; cho ý kiến về Đề án và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2030.

 

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11297 Tổng lượt truy cập 91151371