Tăng cường xử lý vi phạm kinh tế về buôn lậu, gian lận thương mại

Thời gian vừa qua, tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trong thị trường nội địa vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết hàng hóa là hàng gia dụng, may mặc, mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, nhiều hàng hóa ghi nhãn mác nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố bắt giữ vụ vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Phần lớn các vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu đều từ các tỉnh lân cận giáp ranh Quảng Ninh đi qua địa bàn Uông Bí trên tuyến QL10, QL18 để vào tỉnh tiêu thụ. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ hàng hóa bằng nhiều thủ đoạn như: liên tục thay đổi biển số xe, thay đổi xe; chia nhỏ hàng hóa, kí gửi qua xe khách để hòng qua mắt lực lượng chức năng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ổn định thị trường, trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố đã bắt giữ và xử lý 56 vụ với 58 đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trong đó, xử phạt VPHC lên tới 240 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 400 triệu đồng. Điển hình, khởi tố hình sự 03 vụ, 05 bị can về tội buôn bán hàng cấm (pháo, thuốc lá).

Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, sắp tới còn là dịp Tết trung thu, những khoảng thời gian này các đối tượng thường đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường... Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 hiện nay, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trong đó, các đối tượng kinh doanh bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời, lợi dụng vận chuyển bằng chuyển phát bưu điện nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.

Hầu hết hàng hóa nhập lậu là hàng gia dụng, may mặc, mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Để đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng vi phạm về kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Uông Bí sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó kịp thời phát hiện, chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu để quần chúng Nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác và hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý kịp thời.

Nguyễn Ngọc Linh (Công an thành phố Uông Bí)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 68056 Tổng lượt truy cập 89241544