Tái cơ cấu ở Than Uông Bí

Thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2012 - 2016, từ năm 2012, Công ty Than Uông Bí đã chuyển từ mô hình hai cấp với 7 xí nghiệp trực thuộc về thành công ty một cấp. Trong số 7 đơn vị thành viên, có 4 đơn vị sản xuất, chế biến than hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV và 3 đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần trực thuộc công ty mẹ - Công ty Than Uông Bí.

Tại thời điểm sáp nhập khi đó, số lao động dôi dư từ bộ máy văn phòng, gián tiếp của các xí nghiệp lên đến hơn 800 người. Với những bước đi thận trọng và chắc chắn, Công ty Than Uông Bí đã thực hiện khá thành công phương án tái cơ cấu theo mô hình mới đạt mục tiêu: Xây dựng bộ máy hiệu quả, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động.

Khai thác than tại Công ty Than Uông Bí. Ảnh: Quốc Tuấn

Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu của TKV giai đoạn 2 (2017 - 2020), cuối năm 2017, Công ty Than Hồng Thái (đơn vị trực thuộc TKV) đã được sáp nhập và trực thuộc Công ty Than Uông Bí.

Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty Than Uông Bí cho biết: Việc sáp nhập Than Hồng Thái về Than Uông Bí có những thuận lợi như: Giúp giảm đầu mối, nâng trữ lượng tài nguyên, tiết kiệm tối đa quản lý nhân lực và giúp giảm chi phí quản lý, chi phí thuế tài nguyên, chi phí phục vụ phụ trợ… Tuy nhiên, việc sáp nhập này cũng đã dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp. Cụ thể là việc Than Uông Bí sẽ quản lý hiện trường sản xuất rộng, điều kiện địa chất, tài nguyên các vỉa phức tạp gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của Công ty. Đặc biệt là vấn đề giải bài toán dôi dư.

Hiện tổng số lao động của Công ty tính đến thời điểm 1/1/2018 là 6.336 người, trong đó, lao động sản xuất chính là 3.971, chiếm 62,6%. Lao động quản lý và lực lượng lao động phụ trợ lần lượt là 11,4% và 26%, vẫn chiếm tỷ lệ cao. Với việc chuyển đổi này, Công ty Than Uông Bí  tiếp nhận thêm khoảng trên 3.000 lao động từ Công ty Than Hồng Thái.

Rút kinh nghiệm từ việc tái cơ cấu ở giai đoạn 1, Công ty cũng đã có những bước đi phù hợp, nhiều giải pháp gỡ khó. Ngay sau khi có quyết định sáp nhập, tập thể lãnh đạo Công ty đã họp triển khai thực hiện công tác tiếp nhận bàn giao theo hướng dẫn của Tập đoàn. Công ty đã thành lập Ban tái cơ cấu và tổ chức tuyên truyền tới các công trường, phân xưởng và người lao động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động để bố trí phù hợp, đảm bảo hợp lý, nhân văn, vừa hoàn thành nhiệm vụ chung, vừa đảm bảo cho người lao động không bị ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi cũng như tâm lý…

Song song với đó, Công ty tiếp tục rà soát, kiện toàn mô hình từ bộ máy điều hành đến  phân xưởng tổ đội theo mô hình một cấp một cách khách quan, minh bạch, công khai dân chủ, phân bổ số lượng lao động hợp lý . Đồng thời, tiếp tục phân loại lại lực lượng lao động, bố trí sắp xếp sản xuất phù hợp với mô hình mới; bố trí số lao động gián tiếp xuống lao động trực tiếp phù hợp với nhiệm vụ mới. Sau hơn 3 tháng sáp nhập, công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí lao động đã giữ được ổn định, sản xuất của toàn Công ty hoạt động bình thường, giữ vững công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ.. Cùng với thực hiện tái cơ cấu, vấn đề triển khai nhiệm vụ 2018 cũng được Công ty thực hiện tốt, nhất là trong việc tranh thủ thời cơ để tăng năng lực sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Yên chia sẻ, thời gian tới, Công ty tiếp tục tăng cường về quản trị doanh nghiệp và quản trị chi phí nhằm giảm giá thành than, tăng hiệu quả SXKD và lợi nhuận; rà soát lại các dự án đầu tư để tập trung vào các dự án đem lại hiệu quả; sắp xếp, hợp lý hóa về công nghệ, kỹ thuật đào lò, dây chuyền vận hành để tạo hiệu quả, thay thế lao động sống bằng công nghệ; Tập trung đầu tư nguồn lực chất lượng cao, sắp xếp lực lượng này sao cho hiệu quả, nhất là cán bộ quản lý theo yêu cầu của Tập đoàn…

Theo Đặng Nhung (baoquangninh.com.vn)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15733 Tổng lượt truy cập 91093542