Sử dụng đất đá từ các bãi thải của ngành Than để san lấp mặt bằng các dự án

Ngày 27/6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về phương án sử dụng đất đá tại các bãi thải mỏ của ngành Than để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Long đồng ý phương án sử dụng đất đá từ các bãi thải của ngành Than phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay Quảng Ninh đã và đang xúc tiến triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh những năm tiếp theo. Điển hình như: dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; khu phức hợp Hạ Long Xanh; Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, Khu Công nghiệp Sông Khoai. Theo ước tính của Sở Xây dựng, để triển khai các dự án này, thì phải cần đến 500 triệu m3 đất đá phục vụ đắp, san nền.

Để có được nguồn đất đá phục vụ các dự án hạ tầng trọng điểm, không gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các ngành liên quan đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản và Tổng Công ty Đông Bắc nghiên cứu phương án lấy đất, đá từ các bãi thải mỏ đang hoạt động và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành Than đang hoạt động. Mỗi năm, ngành Than bóc xúc, đổ thải khoảng từ 250 đến 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu. Các bãi thải đang hoạt động đều tương đối thuận lợi cho việc khai thác làm vật liệu san lấp mặt bằng. Việc tận dụng đất đá thải mỏ tại các bãi thải sẽ đảm bảo chủ động về nguồn khai thác, lợi thế về giá thành và góp phần giải quyết được khó khăn về diện đổ thải của ngành Than hiện nay.

Sơ đồ các bãi thải mỏ của ngành Than.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hiện nay, Quảng Ninh đang tập trung xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm. Tuy nhiên, để đảm bảo việc đầu tư phát triển bền vững, trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, việc nghiên cứu nguồn đất đá san lấp mặt bằng là rất cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý phương án lấy nguồn đất đá san lấp mặt bằng từ các bãi thải của ngành Than như: Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) và Bắc Bàng Danh (TP Hạ Long). Không chỉ đáp ứng nguồn vật liệu san lắp mặt bằng cho các dự án, mà còn giúp hạ độ cao bãi thải, đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư lân cận. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng phương án vận chuyển đất đá từ các bãi thải mỏ, tính toán kỹ khối lượng đất đá đã đổ và khối lượng sẽ đổ thải, xây dựng phương án đổ thải chuyên dùng, đảm bảo vận chuyển không ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần kịp thời thông báo cho các nhà đầu tư, các nhà thầu vị trí lấy đất đá san lấp mặt bằng khi triển khai các dư án hạ tầng trong thời gian tới, tránh việc khai thác đất, đá không đúng theo quy hoạch.

Cũng trong chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã nghe và cho ý kiến đối với quy hoạch chi tiết, phương án đầu tư Trạm kiểm soát liên ngành Cầu Bắc Luân II gắn với Khu dịch vụ thương mại (TP Móng Cái) và nghe Tập đoàn giáo dục KinderWorld báo cáo phương án quy hoạch Khu phức hợp giáo dục- du lịch sinh thái tại phường Đại Yên (TP Hạ Long).

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12089 Tổng lượt truy cập 91383644