Sớm áp dụng quy trình VietGAP cho vải chín sớm Phương Nam

Vải chín sớm Phương Nam được người dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) trồng tự phát, nhỏ lẻ từ những năm 1966. Tuy nhiên, mãi đến năm 2004, nhận thấy điều kiện tự nhiên, nông hoá, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp nên loại cây này mới được chọn làm giống cây trồng quan trọng trong Đề án dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của phường. Từ đó, vải chín sớm đã được nhân rộng, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân phường Phương Nam. Năm 2016, tổng diện tích cây vải chín sớm của toàn phường là 350ha, sản lượng đạt 1.515 tấn (cao hơn năm 2015 là 460 tấn), với giá bán bình quân 22.000 đồng/kg, cho doanh thu gần 34 tỷ đồng (tăng 1,83 tỷ đồng so với năm 2015). Đến nay, vải chín sớm tại Phương Nam được xác định là cây ăn quả chủ lực của TP Uông Bí và được quy hoạch sản phẩm nông nghiệp tập trung cấp tỉnh đến năm 2020. Mặc dù những năm gần đây, sản lượng và doanh thu từ cây vải chín sớm đã tăng so với các năm trước, tuy nhiên đa số các hộ dân đầu tư, chăm sóc vải chủ yếu theo kinh nghiệm, trong quá trình thâm canh thường bón phân không cân đối, không đúng thời điểm. Đặc biệt, hầu hết các hộ không quan tâm bón bổ sung phân hữu cơ trên các vườn vải trong khi bón phân hoá học kéo dài làm ảnh hưởng đến kết cấu và độ phì nhiêu của đất. Công tác phòng trừ dịch hại vẫn dựa vào biện pháp hoá học là chính, dẫn đến tình trạng sâu kháng thuốc, dễ phát sinh dịch, khó phòng trừ. Vì vậy năng suất, chất lượng quả vải chín sớm chưa ổn định, chưa có sự liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp thu mua, chế biến, vải chủ yếu là bán lẻ ở các chợ hoặc tư thương thu mua nên dễ bị ép giá.

Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thuỷ sản vùng I - Hải Phòng kiểm tra tình hình đậu quả của vải chín sớm Phương Nam tại khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP Uông Bí.

Để đảm bảo năng suất ổn định, nâng cao chất lượng quả vải, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, cuối năm 2016, Sở NN&PTNT đã xây dựng Dự án phát triển sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Cuối tháng 2-2017, Sở NN&PTNT đã lấy ý kiến của TP Uông Bí, hoàn thiện Dự án và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến khi triển khai, ngay trong năm 2017 sẽ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và đăng ký chứng nhận VietGAP với quy mô 100ha, 235 hộ tham gia; tiến tới áp dụng quy trình VietGAP trên tổng diện tích 300ha với trên 1.000 hộ tham gia; giai đoạn từ năm 2019 trở đi tiếp tục duy trì và ổn định diện tích 300ha vải chín sớm đã được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, khối lượng công việc trong năm 2017 là khá lớn. Cụ thể, trong tháng 3-2017, đơn vị cấp giấy chứng nhận Dự án sẽ phải tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá (sơ bộ) vùng Dự án; phân chia, khoanh những vùng có điều kiện áp dụng quy trình VietGAP; thống kê xác định cụ thể diện tích của từng hộ nằm trong từng vùng thực hiện; lấy khoảng 40 mẫu đất, 40 mẫu nước để đánh giá các chỉ tiêu kim loại nặng; xây dựng sơ đồ giải thửa cho diện tích triển khai. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm nòng cốt triển khai Dự án; tổ chức lớp quản lý dịch hại tổng hợp và tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc vải chín sớm theo quy trình VietGAP... Các công việc trên phải sớm hoàn tất để đầu tháng 5-2017, Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thuỷ sản vùng I - Hải Phòng thẩm định và cấp chứng nhận VietGAP cho 100ha vải chín sớm. Bà Đinh Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, cho biết: Chủ trương xây dựng quy trình VietGAP cho vải chín sớm Phương Nam cho thấy sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của tỉnh đối với loại cây chủ lực này. Người dân trồng vải ở Phương Nam cũng rất mong chờ và đón đợi Dự án. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2-2017, tỷ lệ hoa cái nở rộ lên tới 80% và chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ là vào vụ thu hoạch. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Dự án sẽ nhanh chóng được triển khai để không ảnh hưởng đến tiến độ đặt ra.

Tính đến thời điểm này, chương trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP đang được triển khai rộng rãi trên cả nước với rất nhiều chủng loại rau quả, vải chín sớm cũng là một trong những sản phẩm đầu tiên được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và đã thành công tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang. Nếu dự án nhanh chóng được triển khai, đây sẽ là cơ sở nhân rộng ra 2.620ha diện tích trồng vải thiều và vải chín sớm của tỉnh (tập trung ở TX Đông Triều và TP Uông Bí).

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 34649 Tổng lượt truy cập 89185694