Quảng Ninh hướng tới trở thành trung tâm kinh tế tri thức thông tin

Hướng tới một nền kinh tế tri thức thông tin, Quảng Ninh xác định tạo dựng chính quyền số, là bước đi tiếp theo của chính quyền điện tử, là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của tỉnh.

Khu vực điều khiển Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Từ nền tảng thành phố thông minh

Tiếp nối những thành công trong xây dựng chính quyền điện tử và cải cách hành chính giai đoạn 2012-2018, Quảng Ninh tiếp tục triển khai chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số trên cơ sở triển khai đề án thành phố thông minh và đề án chính quyền số tỉnh giai đoạn 2019-2025. Mặc dù đây là một trong những nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có khung tham chiếu, kinh nghiệm trong nước, nhưng Quảng Ninh rất quyết tâm, tích cực nghiên cứu triển khai, đảm bảo kế thừa đồng bộ với chính quyền điện tử và các dự án thành phần thuộc đề án thành phố thông minh mà tỉnh đang thực hiện.

Thành phố thông minh của Quảng Ninh sẽ lấy người dân và du khách làm trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Trong 32 nhiệm vụ, dự án của Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3142-QĐ/UBND (ngày 15/8/2018) của UBND tỉnh, đến nay đã hoàn thành 3 dự án, tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng; phê duyệt và đang thực hiện 7 dự án, nhiệm vụ, tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức các dự án, nhiệm vụ theo đề án đã duyệt.

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh. Tỉnh đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh (phiên bản 1.0) là cơ sở để xây dựng, triển khai các dự án thành phố thông minh tại các thành phố Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Đến nay 3 thành phố đã hoàn thiện, phê duyệt đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh để thực hiện.

 

Cán bộ Phòng Quản lý, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, trực hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tấn công gây mất an toàn mạng.

Hướng tới nền kinh tế tri thức thông tin

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước triển khai thành công kết nối liên thông văn bản 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Đến nay, tỉnh tiếp tục hoàn thành việc kết nối trục liên thông của tỉnh và trục liên thông văn bản chính phủ, đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh đã gửi, nhận văn bản điện tử liên thông đến 95 đơn vị, trong đó có 33 bộ, ban, ngành; 62 tỉnh, thành phố trong nước.

Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đến đơn vị cấp 2 (đến các cục, vụ, viện của các bộ và các sở, ngành của tỉnh, thành phố). Để đảm bảo liên thông, trao đổi văn bản dữ liệu 4 cấp, hệ thống mạng diện rộng WAN của tỉnh sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng đã được mở rộng, hoàn thiện từ tỉnh đến cấp xã với 342 đơn vị, với 345 đường truyền, hoạt động ổn định, phục vụ trao đổi thông tin giữa các đơn vị. Đồng thời, đã kết nối với Chính phủ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, tỉnh đang triển khai xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Doanh nghiệp; Atlas điện tử; đất đai; quản lý y tế; quản lý hộ tịch; cấp đổi giấy phép lái xe; quản lý phương tiện thủy nội địa; quản lý số liệu về cơ sở hạ tầng giao thông; quản lý cấp phép các hoạt động du lịch; quản lý cấp phép lĩnh vực môi trường; quản lý xuất nhập cảnh; quản lý dữ liệu về trẻ em trên địa bàn tỉnh; GIS chuyên ngành bưu chính viễn thông; khoa học công nghệ…, làm cơ sở nền tảng quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC và phục vụ nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, CB,CC,VC trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã, với 239 điểm cầu đảm bảo chất lượng HD để tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh, đặc biệt phục vụ các địa phương tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tra cứu thông tin tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Hướng tới trở thành trung tâm kinh tế tri thức thông tin của khu vực, Quảng Ninh cũng đang xây dựng, thành lập khu công viên CNTT tập trung của tỉnh tại phường Tuần Châu (TP Hạ Long), với diện tích khoảng 8,46ha. Dự án đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Đây dự kiến sẽ là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khu CNTT, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ khu CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp, các hoạt động khác liên quan đến CNTT. Việc phát triển công nghiệp CNTT, hình thành khu CNTT là một trụ cột quan trọng để phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, đặc biệt xây dựng khu phần mềm chính, là đòn bẩy và là điểm kết nối để tạo ra các năng lực mới về thành phố thông tin và sáng tạo.

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Phải tiếp tục hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng mềm, trong đó tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân với mô hình đô thị thông minh, chính quyền điện tử, thanh toán điện tử, dữ liệu số dùng chung… Có như vậy, tỉnh Quảng Ninh mới tạo ra sự khác biệt với những bứt phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả.

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2615 Tổng lượt truy cập 91313340