Phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Theo thống kê, 6 tháng năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tuy nhiên đạt thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, đàn trâu là 27.824 con, bằng 84,86% so với cùng kỳ 2021, đạt 86,95% so với kế hoạch; đàn bò 31.262 con, bằng 82,28% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 87,81% so với kế hoạch; đàn lợn là 272.181 con, bằng 92,81% so với cùng kỳ 2021, đạt 82,48% so với kế hoạch.

Cán bộ thú y xã Hải Tiến (TP Móng Cái) tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thanh

Xác định tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ và các hộ chăn nuôi trong việc tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi. Các địa phương duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng theo kế hoạch để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi tình huống có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.

Với phương châm “phòng là chính”, các địa phương cũng ra quân triển khai tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn; phối hợp nắm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trước diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài... để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với đàn vật nuôi, các địa phương đã quan tâm hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng biện pháp phòng, chống nắng nóng, bão lũ cho đàn vật nuôi. Để làm mát cho vật nuôi, nếu có điều kiện thì hộ nuôi có thể thả đàn gia cầm ra vườn, các gốc cây quanh chuồng nuôi; hạn chế vận chuyển gia cầm trong thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày và hạn chế sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm vào các ngày nắng nóng...

Cùng với đó, các doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ chăn nuôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom chất thải, rác thải xung quanh chuồng nuôi góp phần làm giảm sức nóng, khí độc từ chuồng nuôi; định kỳ phun thuốc sát trùng, phun thuốc diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... Đồng thời, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để báo cán bộ thú y kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời khi xuất hiện các ổ dịch...

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tuy nhiên dịch bệnh trên địa bàn tỉnh dự báo vẫn diễn biến phức tạp. 6 tháng năm 2022, Quảng Ninh đã ghi nhận phát sinh 7 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 5 địa phương và 1 ca bệnh dại trên chó tại TP Móng Cái.

Mô hình nuôi lợn của hộ chị Hoàng Thị Xìn (thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả). Ảnh: Phương Ngọc

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng dịch trên gia súc, gia cầm, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng dịch theo đúng kế hoạch; các trung tâm dịch vụ nông nghiệp địa phương tích cực phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng nuôi, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, thống kê chính xác đàn vật nuôi của địa phương, từ đó thông tin sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; khuyến cáo hộ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Trong đó, chú trọng vệ sinh khử trùng tiêu độc tại các nơi có ổ dịch cũ, các cơ sở giết mổ và chợ buôn bán gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Sở NN&PTNT cũng tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh, nhất là cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng; giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc-xin phù hợp. Các đơn vị cũng thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật qua Hệ thống VAHIS theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Theo Nguyễn Huế/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8717 Tổng lượt truy cập 89150813