Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Có thể thấy rằng, công tác phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em luôn được tỉnh quan tâm. Hàng năm, tỉnh liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này; đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể để phòng nguy cơ xảy ra tai nạn cho trẻ.

Một trong những hoạt động được triển khai mạnh chính là phòng chống đuối nước; bởi thực tế, năm nào, tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng xảy ra. Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh có tới 21 trẻ tử vong do đuối nước.

Các bể bơi trước khi đưa vào hoạt động trong dịp hè đều được kiểm tra kỹ về độ an toàn (Trong ảnh: Bể bơi phường Xuân Sơn, TX Đông Triều).

Trước thực trạng đó, ngay dịp hè 2020, tỉnh đã ban hành Công văn số 3542/UBND-VX2 ngày 29/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em, học sinh; Công văn số 4011/UBND-VX1 ngày 15/6/2020 về việc triển khai Chỉ thị số 37-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và du khách trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương tăng cường rà soát, cắm trên 200 biển báo khu vực nguy hiểm để phòng tránh đuối nước cho trẻ. Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn cho 4.370 người về sơ cứu ban đầu cho người bị TNTT, đuối nước tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng bể bơi phục vụ người dân, trong đó có trẻ em tắm, học bơi trong dịp hè cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 87 bể bơi tại trường học của 13 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, còn hơn 70 bể bơi cố định, bể di động hoặc lắp ghép của các địa phương, doanh nghiệp, tư nhân... và một số bể bơi công viên, siêu thị... có đăng ký hoạt động thể thao dưới nước và dạy bơi cho trẻ.

Hướng dẫn xử lý chảy máu cam cho học sinh tại buổi học kỹ năng sống ở Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long.

Qua đó, năm 2020, toàn tỉnh mở khoảng 1.000 lớp cho 15.000 học sinh; trong đó có gần 200 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 3000 trẻ, tập trung vào trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, trẻ em các xã miền núi, hải đảo, biên giới, trẻ em dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các địa phương, các sở, ngành, lực lượng chức năng cũng tăng cường hoạt động phòng, chống tai nạn giao thông cho trẻ em. Bởi đây là nguyên nhân thứ hai khiến nhiều trẻ bị tai nạn thương tích. Riêng năm 2020, đã có 6 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Tỉnh đã lắp đặt hệ thống camera, biển tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) tại nhiều trường học trên địa bàn. Các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra độ an toàn của xe đưa đón học sinh, yêu cầu các phương tiện này thực hiện nghiêm túc quy định về ATGT; lắp đặt biển báo vị trí dừng, đỗ phương tiện đưa đón học sinh; thực hiện đảm bảo ATGT trên các tuyến đường chính qua khu vực trường học.

Nhiều trường học xây dựng đội tuyên truyền ATGT trong lớp học; xây dựng cổng trường ATGT với sự tham gia của công an phường, hội cựu chiến binh, đội trật tự, đoàn thanh niên của phường... để đảm bảo tình hình giao thông khu vực trường học vào giờ học sinh đến trường và giờ tan học. Tất cả các trường học trên địa bàn đều tổ chức tuyên truyền, tìm hiểu kiến thức về ATGT tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trong các tiết học kỹ năng sống hoặc lồng ghép trong một số môn học.

Lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách và trao tặng mũ cho các em học sinh Trường THCS thị trấn Quảng Hà (Hải Hà). Ảnh: Thái Cảnh

Nhiều địa phương, ban, ngành còn triển khai các hoạt động khác để phòng chống TNTT cho trẻ như: Xây dựng ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, cộng đồng an toàn; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng hành lang bảo vệ an toàn trong khu vực trường...

Qua phân tích các vụ gây tai nạn thương tích cho trẻ trên địa bàn, cho thấy, còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong cộng đồng, gia đình như: Bể giếng nước thiếu nắp đậy; ao, hồ, hố công trình không có rào chắn, biển báo; gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng trong bảo vệ, giáo dục, trông coi trẻ; nhiều chủ phương tiện giao thông chưa có ý thức cao trong chấp hành luật...

Để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, các sở, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc (BVCS) trẻ em. Từ năm 2020 đến nay, Sở LĐTB&XH tổ chức 72 hội nghị tập huấn cho 6.000 người về nâng cao kỹ năng BVCS trẻ em, phòng, chống TNTT, đuối nước đối với trẻ em. Tập huấn cho 511 tuyên truyền viên măng non, cán bộ phụ trách của 73 trường THCS thuộc các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên về Luật Trẻ em, kỹ năng phòng chống TNTT, đuối nước... Sở GD&ĐT tổ chức tuyên truyền cho 12.480 học sinh trước khi bàn giao học sinh về nghỉ hè về kiến thức bảo vệ trẻ em, kỹ năng tham gia giao thông. Các trường đều thực hiện ký cam kết trường học an toàn với địa phương...

Ngoài nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, để phòng chống TNTT cho trẻ một cách tốt nhất vẫn cần sự vào cuộc của mỗi gia đình và cả cộng đồng trong công tác BVCS trẻ em.

 

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79439 Tổng lượt truy cập 89263215