Phát triển OCOP gắn với du lịch

Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đến nay, tỉnh có 502 sản phẩm OCOP với 189 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia. Đặc biệt, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là hướng đi đang được tỉnh chú trọng thực hiện trong giai đoạn này, nhằm đưa chương trình vào chiều sâu, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM bền vững.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 thu hút đông đảo người dân và du khách.

Hội chợ OCOP là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình OCOP của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã thường xuyên tổ chức hội chợ OCOP thu hút hàng trăm gian hàng trưng bày, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh, nước ngoài. Tổ chức quy mô, bài bản, chất lượng, hội chợ OCOP không chỉ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, mà còn là điểm đến mua sắm hấp dẫn người dân và du khách. Riêng Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022, trong 6 ngày diễn ra đã thu hút  trên 45.000 lượt người dân, du khách đến mua sắm, doanh thu ước trên 14 tỷ đồng.

Anh Lê Quốc Sỹ, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Hằng năm gia đình tôi thường tổ chức các chuyến du lịch đến Quảng Ninh. Bên cạnh tìm hiểu, khám phá, tham quan các di tích, danh thắng, khu vui chơi, gia đình lựa chọn, mua sắm các nông sản địa phương tại Hội chợ OCOP làm quà tặng. Hội chợ được tổ chức rất chuyên nghiệp, sản phẩm phong phú, giá bán niêm yết rõ ràng. Hy vọng rằng, Quảng Ninh có thêm nhiều điểm bày bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OOCP phục vụ du lịch, nhu cầu mua sắm của du khách, góp phần quảng bá văn hóa địa phương.

Du khách tham quan vườn cam xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn).

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, mô hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, khi các vườn cam Vạn Yên (một trong những sản phẩm OCOP của huyện Vân Đồn) bắt đầu chín cũng là lúc các nhà vườn trên địa bàn xã Vạn Yên đón khách đổ về. Du khách được hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, ngắm nhìn những trái cam chín ngọt, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên. Khai thác tiềm năng này, nhiều chủ vườn đã đầu tư các khu nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Với hình thức du lịch mới này, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh check in thu hút du khách. Điều này không chỉ mang lại thu nhập tăng thêm cho người dân, mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, quảng bá nông sản địa phương.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với khám phá, tham quan, trải nghiệm sản phẩm OCOP đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh: Vườn cam xã Dương Huy (TP Cẩm Phả); đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); cánh đồng hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long)… 

Các địa phương tổ chức nhiều lễ hội gắn với những đặc trưng riêng có, như: Lễ hội hoa sở (huyện Bình Liêu); lễ hội trà hoa vàng (huyện Ba Chẽ); lễ hội hoa sim biên giới (TP Móng Cái)… Trong đó, sản phẩm OCOP địa phương được trưng bày, giới thiệu, quảng bá ở hầu hết các lễ hội. Các sản phẩm OCOP hòa quyện với không gian văn hóa đậm đà bản sắc giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn nét đặc trưng của mỗi vùng đất, tạo sự hấp dẫn…

Chương trình OCOP gắn phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn trong xây dựng NTM bền vững, nhằm hướng tới nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. 

Theo Hạ An/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 87071 Tổng lượt truy cập 89275443