Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Đến hết năm 2019, Quảng Ninh có 19.129 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc. Tốc độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh tương đối cao, tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.000 doanh nghiệp, các cấp, ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với đại diện doanh nghiệp bên lề lễ công bố DDCI tỉnh Quảng Ninh năm 2019, tổ chức đầu tháng 2/2020.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong giai đoạn 2016-2019, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo. Số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới giai đoạn 2016-2019 là 8.777, tăng bình quân 13,1%/năm. Lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 19.129 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc.

Có thể khẳng định, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều cố gắng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách địa phương... Tuy nhiên, trong tổng số hơn 19.100 doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh, chỉ có hơn 13.500 đơn vị đang hoạt động, có phát sinh doanh thu và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nhà nước; 828 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, trong đó khoảng 60% số này hoạt động trở lại, số còn lại ngừng hoạt động, có thể giải thể...

Một số nguyên nhân chính đã được các sở, ngành chức năng của tỉnh nhận định và chỉ rõ để xác định những khó khăn trong phát triển doanh nghiệp, như: Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác vận động các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt, chưa có các giải pháp cụ thể, đủ mạnh; thiếu chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế, sử dụng lao động, quản lý ngành nghề kinh doanh, việc sử dụng hóa đơn... của các hộ kinh doanh...

Công nhân Công ty CP Thanh Tuyền Group đóng gói sản phẩm gạch ngói không nung.

Để thực hiện thành công mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hoạt động ổn định, chất lượng, tỉnh xác định 2 hướng chủ đạo, gồm: Vận động, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ kinh doanh cá thể sai phạm về nghĩa vụ với nhà nước; phát triển doanh nghiệp mới, tập trung vào một số loại hình như doanh nghiệp hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 39.000 hộ kinh doanh, trong đó có hơn 23.600 hộ phát sinh thuế (doanh thu trên 100 triệu đồng/năm). Như vậy nếu rà soát, vận động được 10% số hộ kinh doanh trên phát triển thành doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ, vận động phát triển được thêm khoảng trên 2.000 doanh nghiệp mới thì đến hết năm 2020, Quảng Ninh sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra với trên 23.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện quy trình đóng gói sản phẩm.

Với 2 định hướng trọng tâm trên, tại cuộc họp về phát triển doanh nghiệp của tỉnh tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh: Chỉ tiêu tỉnh đặt đến hết năm 2020, Quảng Ninh có 22.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc là khả thi và phải được thực hiện với một quyết tâm cao, đưa nội dung này vào các chỉ tiêu thi đua của sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan. Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng để doanh nghiệp phát triển ổn định”.

Thời gian tới, tỉnh giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng chính sách mới trong hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; ưu tiên đầu tư một số khâu quan trọng như bảo quản, chế biến, marketing sản phẩm... Đồng thời, tăng cường rà soát, quản lý hoạt động và vận động các hộ kinh doanh có doanh thu cao, sử dụng 10 lao động trở lên, đặc biệt là những hộ kinh doanh các ngành nghề đặc thù như nhà hàng, khách sạn... chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo gồm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan; xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 nhằm phục vụ tốt công tác phát triển doanh nghiệp. 

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/phan-dau-hoan-thanh-muc-tieu-phat-trien-doanh-nghiep-2471936/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 726 Tổng lượt truy cập 91133728