OCOP - Từ sản phẩm của làng đến sản phẩm gắn sao quốc gia

OCOP Quảng Ninh đã trải qua chặng đường hơn 8 năm phát triển. Sản phẩm OCOP, từ sản phẩm của làng, đến sản phẩm nằm trong chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, sản phẩm được tỉnh gắn sao, đến nay nhiều sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang trong lộ trình để trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Những ngày đầu khởi động OCOP, sản phẩm tham gia chỉ là số ít những sản phẩm truyền thống nông thôn. Đến nay, Quảng Ninh đã có trên 460 sản phẩm OCOP các loại, trong đó, trên 260 sản phẩm đã được gắn từ 3-5 sao, bảo đảm chứng nhận về chất lượng và các tiêu chí khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa. Tính thương mại của sản phẩm OCOP cũng nâng cấp từ xuất hiện trong các chợ quê, thậm chí có sản phẩm chỉ là phục vụ xóm làng hoặc tự cung tự cấp… vươn lên hiện diện ở các kệ hàng thuộc trung tâm thương mại lớn của tỉnh, của quốc gia, xuất khẩu nước ngoài, thậm chí lên sàn giao dịch điện tử có tính online và toàn cầu.

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được trưng bày tại Hội nghị tổng kết chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2018-2020 tại TP Hà Nội, ngày 23/3/2021. Ảnh: Nguyễn Trinh (Ban xây dựng NTM tỉnh)

Bước đường trưởng thành của OCOP Quảng Ninh khởi nguồn từ sự phát động và bàn tay nâng đỡ của tỉnh. Càng về sau, chủ thể chính là các cơ sở sản xuất càng đóng vai trò trực tiếp, chủ đạo, quyết định sự tăng trưởng của chương trình. Hiện toàn tỉnh có 180 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, lớn gấp 300% so với giai đoạn khởi đầu, trong đó 60% cơ sở có quy mô doanh nghiệp (HTX, công ty CP, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân), 40% còn lại là hộ gia đình và hộ sản xuất cá thể. Từ những chủ thể này, không ít những sản phẩm OCOP vốn chỉ được làm ra trong trái bếp của người nội trợ thôn quê, nay đã hình thành trong xưởng sản xuất, hệ thống xưởng sản xuất liên hoàn với thiết bị máy móc hiện đại. Cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện, từ tiêu chí dinh dưỡng, sức khỏe, an toàn thực phẩm, mẫu mã, hình dáng, màu sắc, khối trọng lượng…

Từ hình mẫu OCOP Quảng Ninh, OCOP trở thành chương trình kinh tế cấp quốc gia, phát triển ở mọi miền của đất nước. Bắt đầu từ năm 2021 này, để nâng tầm, tạo cho sản phẩm OCOP có sức nặng riêng, trung ương đã đảm nhận việc đánh giá và gắn sao ở cấp 5 sao cho các sản phẩm OCOP. Như vậy, ở cấp tỉnh sẽ thẩm định và công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 3 sao và 4 sao, cấp quốc gia sẽ thẩm định và công nhận sản phẩm đạt tiêu chí 5 sao. Các danh hiệu sao của sản phẩm OCOP đều thông qua các đợt thi, thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP 5 được tổ chức thường niên, quá trình thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng. Thời gian hiệu lực của các sản phẩm OCOP gắn sao là 3 năm.

Một khâu chế biến sản phẩm rượu mơ tại Thang Long Brewery.

Tại đợt thi, thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên, được Hội đồng OCOP quốc gia triển khai từ đầu năm 2021 đến nay, các tỉnh thành trên toàn quốc đã mang đến 43 sản phẩm. Riêng Quảng Ninh lựa chọn 7 sản phẩm tham gia. Kết quả, 20 sản phẩm lọt vào vòng trong, trong đó Quảng Ninh có 2 sản phẩm là ngọc trai Hạ Long và rượu mơ Yên Tử. Theo đại diện Bộ NN&PTNT, các sản phẩm đạt tiêu chí và được gắn 5 sao sẽ được công bố một cách trọng thể, xứng đáng với giá trị, thương hiệu của sản phẩm, tạo sự lan tỏa của sản phẩm.

Được biết các tiêu chí sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia lần này, coi trọng tính bản địa, có đầu tư mạnh về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô sản xuất, quy trình quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường quốc tế… Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, với hệ tiêu chí này, số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh có thể tham gia sân chơi OCOP 5 sao quốc gia là khá lớn, đây là nền tảng tốt. Tuy nhiên, để OCOP Quảng Ninh tiếp tục đạt được những thành công như thời gian qua, hiện nay, đã đến lúc OCOP Quảng Ninh cần chuyển sang giai đoạn phát triển mới với chiến lược phát triển phù hợp hơn.

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 34224 Tổng lượt truy cập 91126409