Nỗ lực trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét tại tỉnh Quảng Ninh

Được chọn là một trong 25 tỉnh, thành phố loại trừ sốt rét đầu tiên của cả nước, ngành y tế Quảng Ninh luôn duy trì hệ thống giám sát sốt rét, đảm bảo yêu cầu chuyên môn về phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh sốt rét trong tỉnh và ngoại lai, đạt các tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Bác sĩ Đỗ Phương Anh – Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh sẽ chia sẽ rõ hơn về công tác kiểm soát, phòng bệnh sốt rét tại Quảng Ninh trong thời gian qua.

Phóng viên: Xin chào bác sĩ, được biết tỉnh Quảng Ninh  là một trong 25 tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Dự án Phòng, chống, loại trừ sốt rét năm 2019. Vậy từ đầu năm đến nay tình hình bệnh sốt rét tại tỉnh như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Phương Anh: Năm 2019, Quảng Ninh là một trong 25 tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chí loại trừ bệnh Sốt rét trên quy mô toàn tỉnh. Tuy nhiên công tác phòng ngừa sốt rét quay trở lại vẫn hết sức được quan tâm. Trong nhiều năm gần đây, tại Quảng Ninh không ghi nhận ca bệnh Sốt rét có ký sinh trùng nội địa, chỉ ghi nhận các ca sốt rét ngoại lai xâm nhập. Trong năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại trong tỉnh không ghi nhận ca bệnh sốt rét có ký sinh trùng, kể cả nội địa và ngoại lai.

Cán bộ CDC Quảng Ninh kiểm tra nguồn nước trong công tác phòng chống muỗi

Phóng viên: Các công tác kiểm soát, phòng chống bệnh sốt rét tại CDC Quảng Ninh diễn ra như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Phương Anh: Tại CDC Quảng Ninh, công tác phòng chống bệnh Sốt rét được thực hiện tích cực và rất tốt tại tất cả các tuyến, từ tuyến tỉnh, huyện đến xã, đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa khối điều trị và khối dự phòng để phát hiện sớm và điều trị triệt để cho bệnh nhân. Những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh sốt rét và có triệu chứng nghi ngờ bệnh đều được lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. Nhờ có công tác giám sát hiệu quả, trong nhiều năm trên địa bàn tỉnh chỉ phát hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai xâm nhập, tất cả các ca bệnh này đều được phát hiện rất sớm và điều trị kịp thời, không ghi nhận ca bệnh thứ phát trong cộng đồng.

CDC Quảng Ninh phối hợp với TTYT Huyện Hải Hà tập huấn về phòng chống sốt rét.

Phóng viên: Với đặc điểm là tỉnh du lịch, có lượng khách lớn đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, việc kiểm soát phòng chống bệnh sốt rét gặp những khó khăn, thách thức gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Phương Anh: Hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều tiếp nhận một lượng khách du lịch lớn. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và công tác phòng chống bệnh sốt rét nói riêng, đây là một thách thức lớn với đội ngũ cán bộ y tế. Tuy nhiên với nỗ lực cố gắng của ngành y tế, các ca bệnh là khách du lịch đều được phát hiện và điều trị ngay trong giai đoạn đầu của bệnh sốt rét. CDC Quảng Ninh cũng tăng cường công tác phối hợp với CDC các tỉnh khác để trao đổi thông tin các ca bệnh đã ghi nhận, nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách tối đa, hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Quảng Ninh là một tỉnh du lịch cả về danh lam thắng cảnh và văn hóa, tâm linh, lượng khách du lịch đông, là một thách thức cho ngành dự phòng trong kiểm soát, phòng bệnh sốt rét

 

Phóng viên: Mục tiêu của CDC tỉnh Quảng Ninh nói riêng và ngành y tế Quảng Ninh nói chung trong thời gian tới về phòng chống sốt rét là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Phương Anh: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hướng tới việc thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030, công tác phòng, chống bệnh sốt rét tại tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu bảo vệ thành quả loại trừ sốt rét, chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại. Để công tác phòng chống bệnh sốt rét được hiệu quả, ngành y tế Quảng Ninh cần tiếp tục được sự đầu tư từ chính quyền các địa phương, nhất là sự tham gia tích cực và chủ động của người dân tại cộng đồng. Mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét và chủ động đi khám khi thấy các triệu chứng của bệnh. Tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh tại nhà và sử dụng thuốc điều trị bệnh sốt rét cho các mục đích khác.

Xin cám ơn bác sĩ về những thông tin chia sẻ hữu ích!

Ngày phòng, chống sốt rét 25/04 và một số kiến thức về bệnh sốt rét:

Hằng năm, ngày 25/04 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét để ghi nhận nỗ lực toàn cầu trong việc kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả.
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.
Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ như thai nghén, suy dinh dưỡng… Thời kỳ ủ bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9-30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2-8 giờ, ngoài cơn sốt người bệnh không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, rối loạn ý thức nhẹ, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. 
Bệnh sốt rét có thể phòng, chống và chữa khỏi được hoàn toàn khi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.  


Theo Hoàng Yến - CDC Quảng Ninh/suckhoequangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15879 Tổng lượt truy cập 91094080