Những nhà khoa học tuổi teen

Bằng tình yêu khoa học, vận dụng những kiến thức đã học vào sáng tạo, nhiều bạn nhỏ đã có những sáng chế, phát minh hữu ích, ứng dụng vào thực tiễn.

Mô hình "Giường bệnh cải tiến" của Trần Thành Đạt, Lê Hoàng Nam, Dương Hoàng Hải, Phạm Hoàng Nam (lớp 8A1, Trường THCS Bãi Cháy, TP Hạ Long) đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2019.

Đưa phim hoạt hình vào giờ học lịch sử

Chủ nhân của ý tưởng này là 2 em Trần Khánh Linh và Nguyễn Thúy Hiền, 19 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Uông Bí. Khánh Linh chia sẻ: “Lịch sử với rất nhiều bạn học sinh là bộ môn khô khan, không có hứng thú. Vậy thì tại sao không làm cho môn học này hấp dẫn, sinh động và thực tế hơn? Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng em đã cùng nhau xây dựng nên bộ phim hoạt hình Yên Tử - Huyền thoại miền non thiêng. Bộ phim không chỉ có ý nghĩa về mặt giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích danh thắng Yên Tử, mà khi áp dụng vào giảng dạy bộ môn lịch sử sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, yêu thích môn học này hơn”.

Trần Khánh Linh và Nguyễn Thuý Hiền, tác giả bộ phim hoạt hình "Yên Tử - Huyền thoại miền non thiêng".

Bộ phim hoạt hình này gồm 3 tập: Tập 1 có tựa đề Trần Nhân Tông - Vị vua hóa Phật; tập 2 là Sự tích thôn Nam Mẫu; tập 3 có tên Sự tích miền non thiêng Yên Tử. 3 tập phim được ra đời sau hơn 1 tháng thực hiện. Chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm, Khánh Linh cho biết thêm: Ngoài việc tìm đọc tư liệu, tham khảo sự cố vấn của cô giáo bộ môn và giảng viên Khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội, thì quá trình biến ý tưởng thành hiện thực mới thật sự gian nan. Đặc biệt là công đoạn vẽ hình nhân vật, biểu cảm, trang phục, bối cảnh sao cho phù hợp với cốt truyện, thể hiện được cái hồn của nhân vật. Rồi việc khớp nối các hình vẽ để tạo nên chuyển động, lồng tiếng, làm phụ đề, lựa chọn âm thanh, kỹ xảo... Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, chúng em đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các thầy cô, bạn bè để hoàn thành tác phẩm một cách tốt nhất. Với bộ phim này, ngoài sự đam mê về những kỹ thuật đồ họa, sự sáng tạo với mong muốn đóng góp cho những tiết học, chúng em cũng hy vọng sẽ khơi dậy được tinh thần học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo trong các bạn trẻ lứa tuổi như chúng em.

Bộ phim hoạt hình “Yên Tử - Huyền thoại miền non thiêng” đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) cấp quyền tác giả, đang được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm sử dụng để trình chiếu tại khu nhà chờ cáp treo Yên Tử và giảng dạy thực nghiệm ở một số trường học trên địa bàn TP Uông Bí.

Mong muốn góp phần nâng tầm du lịch quê hương

“Huyện Bình Liêu quê em có nhiều cảnh đẹp với những giá trị độc đáo về cảnh quan, văn hóa. Đây là những thế mạnh để ngành du lịch địa phương phát triển, được nhiều du khách biết đến những năm qua. Với mong muốn đóng góp thêm một phần sức lực, trí tuệ của mình để nâng tầm du lịch huyện nhà, em và bạn Tăng Xuân Hạ đã xây dựng nên bản đồ du lịch Bình Liêu cho khách du lịch” - Giáp Thu Thảo, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Bình Liêu, chia sẻ.

Sản phẩm "Bản đồ du lịch huyện Bình Liêu" của Giáp Thu Thảo, Tăng Xuân Hạ (Trường THPT Bình Liêu).

Thu Thảo cho biết: Những năm gần đây, du lịch của Bình Liêu khá phát triển, thông tin về các điểm đến, như sống lưng khủng long, ruộng bậc thang bản Sông Moóc, các cung đường biên giới, cột mốc... được chia sẻ nhiều trên mạng. Tuy vậy, các địa điểm, danh thắng lại cách nhau khá xa; một số địa điểm mới chưa được nhiều người biết đến. Những hướng dẫn trên Google Maps hay các chia sẻ trên mạng  chưa rõ ràng, nhiều khi cũng khó khăn cho khách du lịch. Với tấm bản đồ này, chúng em hy vọng mang đến cho du khách những thông tin cơ bản về Bình Liêu và du lịch Bình Liêu, như địa điểm về quán ăn, nhà nghỉ, quán nước, quán sửa xe, quầy thuốc, trạm xăng, chợ, cửa hàng tạp hóa, điểm rút tiền ATM...  Bản đồ còn có thông tin các cung đường, độ dài, ghi chú lưu ý về địa hình, nội dung du lịch theo mùa, giúp du khách chủ động lựa chọn địa điểm, thời điểm tham quan. “Ưu điểm của bản đồ là thiết kế bắt mắt, nhiều thông tin, có thể gấp gọn gàng, tiện mang theo bên mình. Du khách khi đến Bình Liêu có thể xem các thông tin về địa điểm, hành trình ngay trên bản đồ và lựa chọn lộ trình phù hợp, có thể chủ động hơn trong việc tìm chỗ ăn, nghỉ hay các dịch vụ khác... Tấm bản đồ này cũng đã được huyện sử dụng tại một số địa điểm như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan cộng đồng trên địa bàn” - Thu Thảo nói. 

Giải pháp góp phần làm sạch môi trường biển

Thuyết trình tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2019, Lê Hoàng Hương Thảo (lớp 9A1, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Cẩm Phả), trưởng nhóm tác giả mô hình “Thiết bị dọn rác dưới đáy biển”, nói: "Môi trường đang ngày càng là vấn đề “đau đầu” của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động kinh tế, du lịch mang lại nhiều sức ép cho môi trường, nhất là môi trường biển, khi việc thu gom rác không hề đơn giản, như địa hình trên cạn. Quảng Ninh có diện tích vùng biển lớn với nhiều địa điểm du lịch biển đảo, những vùng nuôi trồng thủy sản lớn. Do vậy, vấn đề này càng phải được quan tâm hơn để bảo vệ nguồn sinh thái và môi trường cho chúng ta".

Nhóm tác giả mô hình "Thiết bị dọn rác dưới đáy biển" thuyết trình tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2019.

“Chúng em tìm hiểu và được biết các biện pháp xử lý, thu dọn rác thải hiện nay hầu hết mới chỉ xử lý được rác thải ở trên bề mặt và bờ biển, chưa giải quyết được vấn đề rác ở tầng lơ lửng và tầng đáy. Trong khi rác ở những tầng nước này khá nhiều, gây ô nhiễm, khiến rất nhiều động, thực vật bị ảnh hưởng. Do đó, để cải thiện vấn đề này, nhóm chúng em đã nảy ra ý tưởng thiết kế một thiết bị dọn rác đáy biển. Cấu tạo của thiết bị này bao gồm: 2 cặp mô tơ chân vịt giúp thiết bị có thể nổi lên, chìm xuống, điều chỉnh phương hướng dễ dàng; bánh xe di chuyển dưới mặt đáy; xẻng xúc và thùng chứa rác; bộ điều khiển FSI6 để vận hành các động cơ. Ưu điểm của thiết bị là có thể điều chỉnh thích hợp để dọn rác ở các khu vực tầng mặt, tầng lơ lửng và tầng đáy biển. Bằng những kiến thức đã học, em và các bạn hy vọng sẽ mang đến một giải pháp nhỏ để góp phần làm cho môi trường, nhất là môi trường biển được sạch hơn...” - Phương Thảo cho biết.

Thu Thảo, Khánh Linh, Hương Thảo là những gương mặt đại diện cho rất nhiều học sinh trong tỉnh, chăm chỉ học tập, yêu khoa học, thích tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và sáng tạo ra những sản phẩm, mô hình có ích cho gia đình, xã hội. Khát khao của các em cũng chính là khát khao của thế hệ trẻ, được cống hiến, góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

 

Theo Nguyên Ngọc/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202001/nhung-nha-khoa-hoc-tuoi-teen-2468938/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9212 Tổng lượt truy cập 89151440