Những dư chấn từ cuộc không kích của Mỹ tại Syria

Vậy là chỉ sau 76 ngày cầm quyền, cam kết “sẽ không can thiệp vào vũng lầy Syria” trong chiến dịch tranh cử đã bị chính Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ bởi quyết định bắn 59 quả tên lửa vào căn cứ không quân al-Sharyat của Syria ngày 7-4-2017. Chính bởi sự bất ngờ này nên tuy không gây quá nhiều thiệt hại cho quân đội Syria, vụ không kích lại đang gây nên những vết nứt hết sức quan ngại không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà cả trong đời sống quốc tế.

Ảnh minh họa: (Nguồn: abc news)

Dù không ít lần chỉ trích chính sách can thiệp vào Syria của người tiền nhiệm Barack Obama nhưng Tổng thống Trump cũng thừa hiểu, để bảo vệ những lợi ích tại Trung Đông nước Mỹ không thể né tránh việc phải tiếp tục dính líu đến chiến trường Syria. Tuy nhiên, chính ngay những nhà làm chính sách của Mỹ cũng không có sự đồng nhất về mục tiêu và cách thức can dự. Điều này thể hiện trước hết ở sự thay đổi quan điểm về vấn đề Syria hết sức nhanh chóng của Nhà Trắng.

Trước khi xảy ra vụ khí độc hóa học tại Idlib (4-4-2017), Tổng thống Trump vẫn khẳng định: “Ưu tiên số một là chống khủng bố” và “không nhất thiết phải thay đổi chính quyền Assad”. 72 giờ sau đó, tức là ngay sau cuộc không kích, Tổng thống Trump tuyên bố, “chính quyền Assad đang đi đến hồi kết” và “nước Mỹ có thể sẽ điều động thêm quân tới chiến trường Syria” (hiện tại Syria đã có khoảng hơn 1.000 lính đặc nhiệm Mỹ). Ngày 9-4-2017, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Halley làm rõ hơn khi khẳng định, “thay đổi chế độ ở Syria giờ là ưu tiên của chúng tôi”.

Tiếp theo, cách thức can dự của Nhà Trắng cũng không thực sự rõ ràng. Cứ giả sử Washington đang đeo đuổi cả hai mục tiêu thì vào thời điểm hiện tại, các giải pháp hòa bình khó có thể được lựa chọn, bởi đó chính là những gì Tổng thống Obama đã làm và đang bị chỉ trích. Cuộc không kích và sau đó là vụ ngày 13-4-2017, lần đầu tiên Mỹ đã sử dụng bom GBU-43 (còn được gọi là “Mẹ của mọi loại bom” - MOAB) để tiêu diệt các phiến quân IS tại tỉnh Nangahar của Afghanistan cho thấy, phải chăng đó chính là mẫu hình giải pháp quân sự mà chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn. Sự lựa chọn này thật đáng quan ngại bởi không sớm thì muộn cũng dẫn tới đụng đầu với siêu cường hạt nhân Nga, bởi chính ngay trong buổi tiếp ngoại trưởng Rex Tillerson tại Moscow (12-4-2017), Tổng thống Putin khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng ngay lập tức, sự lựa chọn này cũng bị hoài nghi bởi tuyên bố của Tổng thống Trump trên kênh Fox Business (12-4-2017): “Chúng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề Syria”. Thật đúng như nhận xét của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov: “Lập trường của chính quyền Trump với Syria vẫn là điều bí ẩn”.

Dù diễn giải như thế nào thì rõ ràng cuộc không kích đã chính thức đưa nước Mỹ bước vào một giai đoạn can dự mới tại chiến trường Syria và nếu vậy chính cách can dự này đang khiến người dân Mỹ lo ngại và hoang mang. Cùng với việc các dự luật về cấm nhập cảnh, về bảo hiểm y tế (Trumpcare) không được thông qua trước đó, cuộc không kích càng khiến niềm tin của người dân Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Trump thêm giảm sút.

Cuộc không kích có lẽ cũng đã thổi bay chút hy vọng của chính quyền Tổng thống Assad về khả năng đối thoại với chính quyền mới tại Nhà Trắng. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập tới việc cải thiện quan hệ với Nga và Chính phủ Syria. Hơn thế, Washington cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình đối thoại giữa Chính phủ Syria và phe nổi dậy tại Astana, Thủ đô của Kazakhstan (hòa đàm do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ) và Geneva IV (do LHQ bảo trợ). Có lẽ cũng vì những tín hiệu này mà hồi tháng 3-2017, mặc dù lên án sự có mặt của lính đặc nhiệm Mỹ tại Manbij khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ Syria nhưng Tổng thống Bashar al-Assad vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc không kích của Mỹ mà Chính phủ Syria lên án là “cuộc tấn công xâm lược” đã đưa quan hệ Syria - Mỹ trở lại trạng thái đối đầu. Bởi lẽ, trước tuyên bố “chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công nếu việc sử dụng vũ khí hóa học tái diễn” của Nhà Trắng, đương nhiên Chính phủ Syria không thể thi hành một chính sách ôn hòa với Mỹ.

Căng thẳng Syria - Mỹ ngay lập tức tác động tiêu cực lên quan hệ Mỹ - Nga. Tổng thống Putin chỉ trích cuộc không kích của Mỹ là “hành động gây hấn xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, một hành động không thể chấp nhận”. Ngày 8-4-2017, Nga tuyên bố ngừng việc tuân thủ trong Bản ghi nhớ về ngăn chặn đụng độ và bảo đảm an toàn bay tại Syria. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Moscow, 12-4-2017), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo: “Nga coi việc Mỹ bất ngờ không kích Syria là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Mỹ nhằm vào Syria”. Minh chứng cho quyết tâm bảo vệ đồng minh Syria, ngày 11-4-2017, Nga điều thêm một biên đội tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen tới vùng biển Syria. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đã không có bất cứ một thay đổi tích cực nào kể từ sau khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức, cuộc không kích của Mỹ càng khiến tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Nga thêm trầm trọng. Kết quả nghèo nàn của chuyến công du đầu tiên tới Nga (12-4-2017) của Ngoại trưởng Tillerson cho thấy, khả năng Mỹ - Nga có thể hợp tác, chí ít là trong cuộc chiến chống khủng bố, vẫn còn rất xa vời.

Nếu vậy, Nhà Trắng thực sự đã tự làm khó mình khi quyết định không kích Syria. Thiếu đi sự hợp tác của Nga, Syria và Iran không biết chính quyền Trump sẽ làm thế nào để thực hiện được một trong những ưu tiên hàng đầu là tiêu diệt khủng bố, bởi nếu chỉ dựa vào các đồng minh như Israel, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và mới đây thêm Ai Cập là chưa đủ.

Điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hơn cả có lẽ là vì quyết định không kích Syria của Nhà Trắng đã bỏ qua những kết quả hơn bốn năm làm việc của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), đồng thời cũng qua mặt luôn cả Hội đồng Bảo an LHQ. Quyết định mang nặng tính đơn phương này đang tái hiện lại kịch bản Iraq 2003, thậm chí ở mức độ cao hơn. Năm 2003, chính quyền Saddam Hussein không cho phép phái đoàn thanh sát của LHQ (UNSCOM) vào kiểm tra “hồ sơ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq”, còn giờ thì cả Nga lẫn Syria đều đang yêu cầu LHQ vào Idlib thanh sát để làm rõ thực hư. Tuyên bố “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên đã kết thúc” và “mọi sự lựa chọn đều để ngỏ” của Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến công du châu Á (từ ngày 16 đến 19-4-2017 tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia) khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo sợ, bởi rất có thể kịch bản Syria sẽ lặp lại trên bán đảo Triều Tiên. Quan ngại hơn, cuộc không kích có thể mở đường cho những hành động tương tự trong tương lai dưới chiêu bài “vì lợi ích quốc gia sống còn”.

Nhưng có khi chính vì mức độ nguy hiểm của những đứt gãy này mà cộng đồng quốc tế sẽ có những nỗ lực hơn, trước hết là trong việc duy trì những quy chuẩn của luật pháp quốc tế.

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 70744 Tổng lượt truy cập 89130849