"Nhà thông minh" của hai sinh viên Quảng Ninh

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, niềm đam mê khoa học công nghệ, đôi bạn Nguyễn Văn Hiếu, thị trấn Đầm Hà và Lê Văn Đỉnh, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, đồng thời được biết đến là những nhà “sáng chế” tiềm năng.

Mô hình “Smart Home cho các gia đình nông thôn Việt Nam” do Hiếu Và Đỉnh sáng chế giành giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 12.

Từ Smart Home cho nông dân...

Nói tới Smart Home (nhà thông minh), nhiều người liên tưởng tới một cuộc sống hiện đại nơi đô thị phồn hoa. Thế nhưng, đôi bạn Nguyễn Văn Hiếu và Lê Văn Đỉnh ở huyện vùng cao Đầm Hà đã tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo thành công công nghệ đó.

Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Từ năm 2004, gia đình em làm nghề tráng bánh đa. Khi máy tráng bánh đa bị hỏng, bố em tự sửa chữa. Mỗi lần như vậy, em thường được bố nhờ phụ giúp sửa chữa các thiết bị về điện. Có lần, bộ phận rắc vừng cho bánh đa bị hỏng, thế là 2 bố con em đã “hợp tác” sáng tạo ra thiết bị rắc vừng khác cho máy tráng bánh đa. Em còn tự sửa chữa nhiều đồ điện khác trong nhà, có khi còn làm hỏng. Nhưng cũng từ những lần được tự tay sửa chữa, mày mò khám phá, em lại càng thêm yêu thích việc nghiên cứu, sáng chế các thiết bị về điện”.

Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, không thường xuyên được tiếp xúc với máy tính nhưng Lê Văn Đỉnh lại có niềm say mê đặc biệt với công nghệ thông tin. Vì vậy, em đã tự mày mò học, tìm hiểu về lập trình phần mềm. Cũng chính từ đó, Đỉnh đã tự học tiếng Anh để có thể sử dụng thành thạo các bước trong lập trình phần mềm.

Gia đình, thầy, cô chúc mừng thành tích của Hiếu và Đỉnh.

Chung niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ, đôi bạn cùng lớp Hiếu và Đỉnh đã bắt tay thực hiện mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam”. Mô hình này đã đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016 khu vực phía Bắc. Không dừng lại ở đó, đôi bạn tiếp tục cải tiến, sáng tạo thêm để tiếp tục mang mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam” tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016. Tại Cuộc thi này, Hiếu và Đỉnh tiếp tục mang về giải nhất đầu tiên cho Quảng Ninh sau 11 lần tham gia. Mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam” được đánh giá cao ở 2 cuộc thi lớn của học sinh bởi các em đã chứng minh được khả năng tự tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo từ thực tế cuộc sống và khả năng ứng dụng cao của mô hình.

Hiếu và Đỉnh đều sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Hơn ai hết, các em hiểu rõ những vất vả, khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây. “Từ lâu, qua việc quan sát từ chính gia đình và thực tế các ngôi nhà cấp 4 khác thì chúng em thấy hệ thống mạng điện sinh hoạt thường tách biệt, rất bất tiện. Cùng với đó, những thiết bị điện dân dụng rất sơ sài, nằm rải rác ở nhiều vị trí, không có cảnh báo về an toàn. Với ý tưởng mang đến một hệ thống giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, để bà con thuận tiện hơn trong sinh hoạt cũng như sản xuất, chúng em đã nghiên cứu mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam”- đôi bạn Hiếu và Đỉnh cùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Liên, mẹ của Nguyễn Văn Hiếu, tâm sự: “Từ năm học lớp 12, các con bắt đầu thực hiện ý tưởng. Mặc dù là năm học cuối cấp, gia đình cũng khá lo lắng, sợ ảnh hưởng đến học tập nhưng thấy sự quyết tâm, không quản ngày đêm, quên ăn, quên ngủ của các con nên gia đình rất ủng hộ”. Đồng hành cùng các em còn có sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hữu, giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Đầm Hà. Ngoài giờ học, thầy và trò lại cùng nhau tranh thủ thời gian nghiên cứu, thử nghiệm.

Từ sự ủng hộ của gia đình và thầy, cô trong trường, Hiếu và Đỉnh càng thêm hăng say nghiên cứu, sáng tạo. Em Lê Văn Đỉnh chia sẻ: “Từ ý tưởng rồi xây dựng thành mô hình, quả thực chúng em gặp rất nhiều khó khăn. Có những lần thất bại, tưởng chừng như phải dừng lại, nhưng mỗi lần như thế chúng em lại động viên nhau, cùng tìm hướng giải quyết để tiếp tục hoàn thiện mô hình. Đặc biệt để thành công ý tưởng này, chúng em đã phân công rõ ràng công việc của từng người. Với sở trường về điện, Hiếu phụ trách phần cứng, mạch điện tử và mã code vào vi điều khiển. Còn, em phụ trách nghiên cứu, lập trình phần mềm chạy trên điện thoại dùng hệ điều hành Android”.

Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, các em đã hoàn thành mô hình với tên gọi “Smart Home cho các gia đình nông thôn Việt Nam”. Đây là một hệ thống đa chức năng nhằm hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, sản xuất một cách thông minh, tiện lợi. Người sử dụng có thể tắt hay bật các thiết bị điện dân dụng, thiết bị chăn thả, tưới tiêu từ xa bằng tin nhắn văn bản qua ứng dụng trên điện thoại thông minh do nhóm tác giả tự lập trình. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng các cảm biến để cảnh báo bằng chuông báo động, hoặc gửi tin nhắn đến các số điện thoại đặt sẵn trong trường hợp có trộm, rò rỉ ga hoặc hỏa hoạn.

Mặc dù được thiết kế khi các em chỉ là những học sinh trong nhà trường, nhưng không vì thế mà hệ thống này tỏ ra thua kém so với những phần mềm quản lý nhà thông minh khác. Ngoài cách điều khiển từ xa bằng điện thoại, Smart Home còn có thể thao tác bằng các nút bấm được đặt tập trung cùng đèn cảnh báo an toàn. Không những vậy, phần mềm còn có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, sở hữu nhiều chức năng như điều khiển bằng giọng nói, trả lời người dùng bằng tiếng Việt, gọi điện thoại, gửi tin nhắn bằng giọng nói... Đặc biệt, SmartHome cũng tích hợp chức năng dành cho người khiếm thị.

... đến điều khiển thiết bị điện bằng giọng nói cho người khiếm thị

Sau thành công của “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam”, Hiếu và Đỉnh đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào các trường đại học trong cả nước. Lúc này, mỗi em lại lựa chọn một ngành học khác nhau phù hợp với sở trường và niềm yêu thích của mình. Hiện, Nguyễn Văn Hiếu là sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), còn Lê Văn Đỉnh là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vào tháng 7/2017, Hiếu và Đỉnh tiếp tục được Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam lựa chọn tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) - cuộc thi khoa học dành cho các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới, tại Nhật Bản. Lần này, mô hình “Smarthome cho các gia đình nông thôn Việt Nam” tham gia cuộc thi tiếp tục nhận được 2 giải thưởng là Giải công trình xuất sắc nhất của Hiệp hội Sáng kiến sáng chế Macao và Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế Đài Loan - Trung Quốc.

Hiếu và Đỉnh tiếp tục được Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam lựa chọn tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) - cuộc thi khoa học dành cho các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới, tại Nhật Bản. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sau cuộc thi này, đôi bạn tiếp tục tham dự cuộc thi lớn “VIETNAM IOT HACKATHON 2017” do Tổng Công ty Viễn thông Viettel phối hợp tổ chức. Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu mô hình “Smart Home cho gia đình nông thôn Việt Nam”, chúng em đã nghiên cứu tích hợp nhiều chức năng, đặc biệt là có chức năng dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, chức năng này chưa được nghiên cứu kỹ càng. Vì vậy, khi biết về cuộc thi “VIETNAM IOT HACKATHON 2017”, chúng em lại bắt tay tiếp tục nghiên cứu với ý tưởng “Hệ thống hỗ trợ liên lạc và điều khiển thiết bị điện bằng giọng nói cho người khiếm thị”.

Hệ thống gồm 2 phần. Phần đầu là một điện thoại thông minh chạy trên hệ điều hành Android có chức năng thu nhận giọng nói của người khiếm thị để thực hiện gọi điện thoại, nhắn tin, xem thời gian, bật thiết bị điện… Qua đó giúp người khiếm thị sử dụng các ứng dụng cơ bản, chức năng hữu ích được tích hợp ngay trên điện thoại thông minh. Phần hai là một mô – đun nhận tín hiệu điều khiển từ điện thoại để đóng – mở thiết bị điện, giúp người khiếm thị có thể bật –tắt các thiết bị điện để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, như bật radio, quạt... Như vậy, khi sử dụng hệ thống này, người khiếm thị chỉ cần chạm vào vùng bất kì trên màn hình điện thoại và sử dụng giọng nói để gọi điện, nhắn tin, xem ngày, giờ, đặt lịch nhắc nhở, đồng hồ báo thức, bật tắt thiết bị điện và chức năng thông báo khẩn cấp đến người thân khi có việc khẩn cấp.

Hiếu và Đỉnh tham gia phần thi thuyết trình tại Cuộc thi “VIETNAM IOT HACKATHON 2017”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mặc dù chỉ dừng lại ở top 18 đội xuất sắc nhất vòng chung kết, nhưng đôi bạn Hiếu và Đỉnh được đánh giá là đội sinh viên trẻ nhất, với ý tưởng tốt, tính ứng dụng và tinh thần khởi nghiệp cao.

Đam mê chính là khởi nguồn của sự sáng tạo và thành công trong học tập, công việc. Chính vì vậy, ngoài việc học tập, Hiếu và Đỉnh tiếp tục tham gia những sân chơi về nghiên cứu khoa học công nghệ để có cơ hội được thỏa sức sáng tạo. Chia sẻ về kế hoạch của bản thân, Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Ngoài thời gian học tập ở lớp, em cũng muốn được trực tiếp học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo những thiết bị, phần mềm hữu ích để phục vụ cuộc sống. Em đang tham gia cùng với các bạn sinh viên trong trường nghiên cứu ổ điện thông minh. Hy vọng, nhóm chúng em sẽ mang tới cho cộng đồng một thiết bị mới, hữu ích”.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2545 Tổng lượt truy cập 91367070