Người Dao Thanh Y mừng năm mới

Khi hoa đào nở rộ khắp các bản làng cũng là lúc người Dao Thanh Y ở Quảng Ninh rộn ràng mừng đón năm mới, xuân sang.

Phụ nữ Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, gói bánh gù và bánh bột ngày Tết. Ảnh: Long Vũ (CTV)

Ở TP Uông Bí, người Dao Thanh Y sinh sống tập trung tại xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh. Tại xã Thượng Yên Công, người Dao Thanh Y chiếm tới 50% dân số toàn xã, trong đó, riêng thôn Khe Sú nằm dưới chân ngọn núi thiêng Yên Tử có 100% là người dân tộc Dao Thanh Y. Cộng đồng người Dao Thanh Y ở Thượng Yên Công đã và đang nỗ lực lưu giữ nét văn hóa rất riêng, trong đó có phong tục đón tết.

Theo cụ Triệu Thị Hương, ở thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, người Dao Thanh Y quan niệm, tết là dịp để báo cáo với tổ tiên về những thành quả trong cả năm, cầu mong những điều tốt sẽ đến trong năm mới. Điều đó được gửi gắm vào mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng tổ tiên được chuẩn bị nhờ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ. Mâm cỗ cúng giản dị mà thành kính được chế biến từ những nông sản như: Gà, lợn, ốc, gạo nếp... để tưởng nhớ nguồn cội, bái vọng tri ân tiền nhân. Một mâm cỗ tết của người Dao Thanh Y bắt buộc phải có một con gà, một xâu gan, hai xâu thịt lợn, một bát ốc, ba chén rượu, hai thứ bánh đặc trưng của người Dao ngày tết là bánh gù và bánh bột. Hai loại bánh cùng được làm từ gạo nếp, chỉ khác là nhân bánh gù có lá cẩm, thịt, đỗ; nhân bánh bột có đường đen. Gạo nếp quyện với đường hay đỗ đều thể hiện sự giao hòa giữa trời và đất. Gia chủ thường đặt bên mâm cỗ những vàng thỏi, bạc thỏi bằng hàng mã để cầu cho tài lộc đầy nhà.

Trai gái người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, trẩy hội làng. Ảnh: Phạm Học

Người Dao quan niệm, chỉ những người đã được làm lễ cấp sắc mới đủ tư cách làm chủ lễ cúng dịp tết. Chủ lễ cầm kiếm và xin đài âm dương kính thỉnh tổ tiên về thụ hưởng cỗ tết, mong muốn tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xua đuổi thói hư tật xấu. Khi tạ lễ, thụ lộc người Dao Thanh Y mời bà con họ hàng đến nhà nhau, cùng uống rượu và chúc tụng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, chia sẻ những ước mong về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đám cưới của người Dao Thanh Y ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Ảnh: Phạm Học

Để giữ gìn văn hóa, mỗi dịp tết đến, các thầy cúng và các già làng thường tổ chức dạy chữ Nho đầu xuân cho con trẻ. Người già không cho phép con trẻ chặt các cây to trong dịp tết. Những người bà, người mẹ thì truyền dạy cho các bé gái kỹ thuật thêu trang phục truyền thống chuẩn bị cho hội làng. Nhờ đó khi lớn lên các thiếu nữ đều biết cách thêu những hoa văn trên yếm, đai lưng, mũ vải. Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y ngày thường cũng như ngày lễ, tết đều rất bình dị với hai màu đen, đỏ là chủ đạo. Riêng yếm trắng đeo trước ngực có hoa văn sặc sỡ được thêu tỉ mỉ. Họ gửi gắm vào từng đường kim mũi chỉ những khát vọng về đời sống ấm êm, hạnh phúc.

Đầu xuân năm mới, các bản làng người Dao Thanh Y càng rộn ràng hơn bởi giọng hát giao duyên của trai gái. Lời ca tha thiết, tiếng hát trong trẻo hòa cùng hương sắc của đất trời sang xuân là bao tâm tình, nỗi niềm yêu thương của đôi lứa yêu nhau, là khúc ca lao động khỏe khoắn, là tình yêu quê hương làng bản. Trai gái diện những bộ váy áo truyền thống không chỉ gọi nhau đi chơi tết, xuống hội làng mà còn cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian. Những trò chơi câu hát không chỉ làm cho ngày xuân thêm tươi vui mà còn ký thác biết bao ước vọng vào một cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Theo Huỳnh Đăng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26156 Tổng lượt truy cập 91361466