Ngành Than vẫn chưa hết khó

Theo tin từ TKV, năm 2017, hoạt động sản xuất của Tập đoàn đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận tăng cao hơn năm trước... Tuy nhiên, ngành Than vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn về tiêu thụ bởi lượng than tồn còn rất lớn tới 9,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn khiến chi phí tăng cao, áp lực về giá thành đang đặt ra cho ngành Than những thách thức lớn về sự đổi mới.

Khởi sắc so với 2016

Theo báo cáo của TKV, trong 6 tháng đầu năm 2017, cán bộ công nhân ngành Than đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch giao, việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo. Các chỉ tiêu thực hiện đều đạt tiến độ kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể toàn ngành đã sản xuất được 19,87 triệu tấn than, đạt 55,2% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Than sạch thành phẩm đạt 18,3 triệu tấn (trong đó sản xuất tại Quảng Ninh là 17,5 triệu tấn), bằng 105% so với cùng kỳ 2016. Lượng than tiêu thụ là 18,03 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm và bằng 102% so với cùng kỳ, (tiêu thụ tại Quảng Ninh 17,2 triệu tấn). Trong đó tiêu thụ trong nước đạt 17,3 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu 686.000 tấn, bằng 335% so với năm 2016. Doanh thu toàn Tập đoàn ước khoảng 53.358 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách nhà nước 6.300 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách cho tỉnh Quảng Ninh là 5.400 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch và 102% so với cùng kỳ 2016. Một tín hiệu đáng mừng nữa là dự án sản xuất alumin tại Lâm Đồng đã có lãi 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, sau 3 năm liền bị lỗ. Tiền lương bình quân 6 tháng khoảng 9 triệu đồng/người/tháng, trong đó khối sản xuất than là 9,6 triệu đồng/người/tháng. Những kết quả trên cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV đã có nhiều khởi sắc.

Sản xuất than của TKV khó khăn do ngày càng xuống sâu và đi xa. Trong ảnh: Khai thác than tại Công ty CP Than Vàng Danh. Ảnh: Văn Quang (CTV)

Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV, kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ và quyết liệt như: Tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, quản lý vật tư; quyết liệt trong tiết giảm chi phí; chú trọng đầu tư cơ giới hoá; đồng thời thực hiện, sắp xếp tinh giản lao động, siết chặt công tác tuyển dụng lao động nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành... Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả trong việc tiết giảm lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (trong 2 năm qua, TKV đã tiết giảm được 11.360 người). Tổng số lao động toàn Tập đoàn theo danh sách đến thời điểm 30-6-2017 chỉ còn 108.800 người. Trong đó, có thể kể đến một số đơn vị làm tốt, điển hình như: Công ty Than Hòn Gai, Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Xây dựng mỏ hầm lò II, Công ty Tuyển than Cửa Ông... Cùng với tiết giảm lao động, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức trong toàn Tập đoàn cũng được triển khai bài bản. Kết quả về cơ bản, cơ cấu tổ chức phòng ban, phân xưởng của các đơn vị xây dựng mỏ, sản xuất than, sàng tuyển, kho vận và cơ khí đã theo đúng mô hình mẫu Tập đoàn quy định. Hệ thống các phòng, ban chức năng của các công ty con đã được sắp xếp tương ứng với các ban của Tập đoàn, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống ngành dọc...

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù đã có khởi sắc so với năm 2016, tuy nhiên, vấn đề than tồn kho vẫn là một khó khăn, trở ngại lớn với TKV. Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết: Than sạch tồn kho của Tập đoàn hiện ở mức 9,3 triệu tấn, giảm gần 3 triệu tấn so với lượng tồn 12 triệu tấn cuối năm 2016, nhưng vẫn ở mức cao. Số tồn kho nêu trên chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, khi tháng 5-2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản đề nghị giảm lượng than mua xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch. Lãnh đạo TKV cho biết, mức tồn than 9,3 triệu tấn của ngành Than đã vượt qua định mức 1-2 triệu tấn. Nếu con số này tăng lên nữa thì cân đối tài chính của Tập đoàn sẽ rất khó khăn. Theo ông Hải, với 2 triệu tấn EVN đang không muốn mua từ Tập đoàn, cộng thêm 2 triệu tấn sản xuất tăng để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng mức tồn kho của Tập đoàn sẽ trên 13 triệu tấn. Riêng việc EVN ngừng mua 2 triệu tấn than của TKV, chắc chắn sẽ khiến hàng nghìn lao động của Tập đoàn mất việc làm (nếu tính theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 là 521 tấn/người/năm thì khoảng 4.000 người lao động sẽ mất việc làm, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn và nộp ngân sách nhà nước). Chưa kể trong khi lượng than tồn lớn như thế, nhưng giá thành sản xuất than vẫn tăng do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn, suất đầu tư, chính sách thuế, phí, tiền lương tăng. Ước tính, mức tăng chi phí của TKV lên đến gần 10.000 tỷ đồng... Chính bởi những khó khăn đó nên tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ ngày 19-6 vừa qua, lãnh đạo TKV đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không giảm mua than trong năm nay để ngành Than ổn định sản xuất, góp phần sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn nữa, đóng góp vào tăng GDP chung của cả nước.

Theo dự kiến của TKV, hết năm 2017 Tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu 106.865 tỷ đồng, trong đó sản xuất than là 54.304 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước khoảng 12.600 tỷ đồng, trong đó nộp tại tỉnh Quảng Ninh là 10.000 tỷ đồng; tiền lương người lao động khối sản xuất than là 9,8 triệu đồng/người/tháng.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24098 Tổng lượt truy cập 91357357