Ngành than: Sôi nổi thi đua sản xuất từ đầu năm

Khép lại năm 2020 trong bộn bề khó khăn, ngành Than có thể tự hào về những thành quả đạt được. Bằng tư duy nhạy bén, sáng tạo trong điều hành sản xuất, các đơn vị luôn giữ vững diện sản xuất, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi tiêu, ổn định đời sống cho hàng vạn lao động.

Cơ giới hóa hạng nhẹ trong khai thác than hầm lò tại Công ty CP Than Mông Dương. 

Một năm vượt khó

Năm 2020, TKV sản xuất được 38,5 triệu tấn than, tiêu thụ 42 triệu tấn; bốc xúc đất đá trên 188 triệu m3, đào mới gần 255.000m lò; năm 2021 phấn đấu khai thác 38,5 triệu tấn than, tiêu thụ 42 triệu tấn.

Theo nhận định của TKV, năm 2021 tiếp tục có nhiều khó khăn. Tình hình tồn kho than cuối năm 2020 ở mức cao, trong khi dự báo nhu cầu thị trường năm 2021 chỉ tương đương năm 2020. Điều kiện sản xuất các mỏ ngày một xuống sâu, chi phí sản xuất ngày một lớn cũng tác động đến thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của TKV.

Trên cơ sở đó, TKV xác định mục tiêu chiến lược, đồng thời khẳng định quyết tâm điều hành sản xuất hiệu quả, thực hành tiết kiệm gắn với khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than - khoáng sản; làm tốt hơn công tác dự báo thị trường; đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác hầm lò để tăng năng suất và tỷ trọng than khai thác bằng cơ giới hóa đồng bộ. Đặc biệt, TKV sẽ cân đối giữa năng lực sản xuất các mỏ và nhu cầu của thị trường.

Trước mắt, các đơn vị khối tiêu thụ tập trung làm tốt công tác pha trộn giữa than sản xuất trong nước và than nhập khẩu, với tỷ lệ phù hợp để cấp cho các hộ khách hàng. Ông Vũ Hồng Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Kho vận Đá Bạc - TKV, cho biết: Các phương án pha trộn than của Công ty hiện đang được thực hiện đa dạng các chủng loại để đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, tuân thủ nguyên tắc ưu tiên nguồn than sản xuất trong nước. Vì vậy, năm 2021 sản lượng than nhập khẩu qua Công ty cũng giảm so với năm 2020. Bên cạnh đó, TKV đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu 1.550.000 tấn than. Đề xuất này được Bộ Công Thương nhận định là sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao hơn so với tiêu thụ nội địa, mà vẫn không ảnh hưởng đến nguồn cung ứng than cho các hộ điện.

Các mỏ hầm lò phấn đấu xây dựng mô hình mỏ xanh - mỏ hiện đại - mỏ sản lượng cao, áp dụng tối đa cơ giới hóa vào các khâu của dây chuyền sản xuất. Ông Vũ Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin, cho biết: Năm 2021 và những năm tiếp theo, Công ty tiếp tục nghiên cứu, áp dụng một số công nghệ mới vào các diện khai thác và đào lò. Trước mắt, Công ty sẽ triển khai dự án cơ giới hóa hạng nhẹ vào khai thác các vỉa dốc và nghiêng, giúp nâng cao hệ số an toàn và tận thu tài nguyên cho mỏ.

Khai thác than tại Công ty CP Than Hà Lầm.

Khí thế sản xuất mới

Năm 2021, ngành Than tiếp tục phải đối mặt và giải quyết nhiều khó khăn, nhất là bài toán cân đối giữa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường. TKV đặt mục tiêu sản lượng than khai thác và tiêu thụ không thấp hơn năm 2020; đảm bảo cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ đã ký cam kết với Tập đoàn. Theo đó, sản lượng than cơ giới hóa đạt 15,8%/tổng sản lượng than hầm lò.

Để thực hiện mục tiêu này, công nghệ được đổi mới theo hướng phù hợp với điều kiện địa chất vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của các mỏ. Các mỏ đang bước vào sản xuất quý I khí thế quyết tâm cao, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Anh Nguyễn Văn Tuyên, Quản đốc Phân xưởng K12 - đơn vị khai thác chủ lực của Công ty Than Uông Bí - TKV, chia sẻ: Từ sau nghỉ Tết Dương lịch, công nhân Phân xưởng đi làm trở lại đạt 99%, hăng say, phấn khởi lao động. Trung bình mỗi ngày đơn vị khai thác được 1.000 tấn than, phấn đấu tháng 1 sản xuất trên 30.000 tấn.

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2983 Tổng lượt truy cập 91137209